Lão nông làm giàu từ rau má
Dù là bệnh binh 72%, nhưng không quản ngại sức khỏe lão nông Lương Trọng Tuấn vẫn trèo đồi C4 đưa giống rau má cổ mang về trồng ở bãi bồi sông Mã. Qua hơn hai thập kỷ trải qua nhiều biến cố, ông Tuấn vẫn bám trụ cùng cây rau má, đưa sản phẩm của xứ Thanh đến với người tiêu dùng ở khắp các vùng miền, làm giàu từ chính sản phẩm của quê hương.
Nhân giống rau má cổ
Cơ duyên đến với cây rau má của ông Lương Trọng Tuấn (61 tuổi, làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa). Đó là việc rất tình cờ hơn 20 năm trước có một người anh em trong họ ở miền Tây về thăm quê, họ nói ở miền Tây đặc biệt là tỉnh Long An rau má được trồng và ăn như những loại rau thông dụng hàng ngày. Tuy nhiên, có thể do thổ nhưỡng khí hậu nên không giòn, thơm, ngon như ở ngoài mình.
Nghe xong câu chuyện, bất chợt ông Tuấn nghĩ, quê hương mình đặc sản là rau má mọc khắp nơi tại sao không thể trồng chuyển vào Nam tiêu thụ. Nghĩ là làm, ông cùng gia đình phá bỏ 1 sào hoa đang cho thu nhập ổn định.
Rau má cũng có nhiều loại khác nhau, theo ông Tuấn giống rau má tía cổ mọc dại, thân và lá nhỏ hơn các giống rau lai khác nhưng rất thơm, đậm vị và giàu tính dược như các bài thuốc dân gian.
Không quản thời tiết nắng gắt những ngày hè, ông Tuấn trèo lên đồi C4 - nơi đặt trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng những năm 1965 lấy từng cụm rau má mang về trồng ở bãi bồi.
Ông Tuấn hồi tưởng: “Tôi tìm rau má có dây màu tía, dây nhỏ hơn nhưng củ to hơn cây màu trắng. Cả tháng tôi khổ cực đem trèo lên núi rồng đem từng cụm rau má về. Loại rau má này về trồng nó hợp đất bãi bồi, chỉ sau vài tuần xuống giống có những cụm rau đã ra rễ, mọc mầm”.
20 năm trước, thấy gia đình tôi phá hoa trồng rau má đang mọc đầy đường tàu, trong làng ai cũng xì xào bàn tán, cho tôi là lão nông gàn dở. Bởi trồng hoa lúc này đang cho thu nhập cao còn rau má thì mọc khắp nơi, ai ăn đâu mà nhân giống, trồng trọt, chăm bón.
Thời điểm năm 2002 cả làng cổ ai cũng ngỡ ngàng khi vợ chồng ông Tuấn bán rau má ở chợ từ 25 đến 30 nghìn đồng/ 1kg. Chỉ bốn, năm buổi chợ gia đình ông đã dành mua được 1 chỉ vàng.
Trời còn chưa sáng, tại vựa rau má làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa các hộ đã tất bật đèn pin thu hoạch. Ai cũng tất bật tay liềm cắt từng mớ rau má xanh ngát, non mơn mởn cho vào giỏ. Ông Tuấn cũng ì ạch với sọt rau má đầy ắp đợi thương lái tới thu mua.
Ông Tuấn cho biết, thời điểm này rau má đang đắt hàng, thương lái liên tục điện thoại để cung ứng hàng vận chuyển vào các tỉnh thành phía Nam. Để đủ số lượng ông Tuấn đã huy động cả vợ con ra đồng từ lúc 3 giờ sáng.
Thăng trầm cùng với giống cây đặc sản quê hương
Từ thu nhập của 1 sào rau má trồng ban đầu, ông Tuấn càng có động lực không quản ngày đêm mở rộng thêm diện tích, thuê thêm đất của người dân trong làng trồng lên 4 sào.
“Thời điểm bấy giờ, rau má cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm. Tiền bán rau má đủ nuôi sống gia đình, lo cho cho 2 đứa con gái học Đại học và tiền thuốc thang cho con trai bị bệnh”, ông Tuấn nói.
Nhìn thấy gia đình ông Tuấn làm giàu từ cây rau má. Chẳng mấy chốc cánh đồng màu bên bãi bồi sông Mã đã được phủ bạt ngàn một màu xanh ngát của rau má. Thế nhưng cũng có những thời điểm rau má không có đầu ra, bị rớt giá chỉ còn 8-10 nghìn đồng/ 1kg rau má tươi. Thấy vậy, bà con trong làng chẳng buồn thu hoạch, đành bỏ ruộng hoang.
Thời điểm rau má rớt giá rơi vào khoảng năm 2016, 2017. Sau đó, có doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu rau má với bà con, với lời hứa rau má sẽ xuất khẩu…đi Tây. Người dân lại hăm hở chăm bón cho rau.
Thế rồi niềm vui chẳng tày gang, năm 2022 doanh nghiệp trên ngừng nhập hàng, tiền hàng cũng chưa thanh toán. Một lần nữa, người dân làng cổ chán nản bỏ cuộc.
Nhưng không hiểu vì sao ông Tuấn vẫn không chùn bước, ông vẫn có niềm tin cây rau má sẽ phục hồi. Ông chọn lối đi khác, ông nói với con trai lên mạng tìm kiếm, kết nối những người trồng rau má ở các miền. Sau đó ông bắt đầu nhận được những mối hàng mới từ các tỉnh phía Nam. Mong ước đưa giống cây đặc sản từ Thanh Hóa vào Nam của ông Tuấn thành hiện thực.
Ông Tuấn thu mua rau má của người dân trong làng để gửi cho các đầu mối ở các tỉnh phía Nam. Hiện giờ, nhà trồng ít cũng hơn 1 sào, nhà nhiều như ông Tuấn là 4 sào rau má. Công việc của người trồng rau má luôn tất bật, hết cắt, nhặt, rửa rau mang đi chợ bán lại đến nhổ cỏ, bón phân, tưới nước. Tuy vất vả, khó nhọc nhưng nhìn thấy cánh đồng rau má mỗi ngày xanh tốt, lại cho thu nhập ổn định bà con ai cũng hồ hởi hăng hái làm.
Trung bình, mỗi năm thu hoạch được 10 lứa rau má, một sào rau má nếu chăm tốt sẽ cho sản lượng từ 4 đến 5 tạ rau má tươi, giá bán giao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/ 1 kg. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm ông Tuấn mang về thu nhập gần 200 triệu đồng/ 4 sào.
Ông Nguyễn Văn Vệ, trưởng làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa cho biết: Hiện trong làng có 22 hộ trồng rau má với diện tích gần 2 hecta. Loại cây trồng này đang cho thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/ người/ tháng. Giống rau má được trồng ở đây là giống cổ, có màu tía ăn rất giòn và ngon. Dù có những thời điểm giá cả bấp bênh nhưng đây là giống cây trồng vẫn cho thu nhập ổn định với người nông nông dân.
Ông Tuấn là người đi đầu trong việc đưa giống rau má cổ về trồng ở làng cổ Đông Sơn, cũng chính là cây giúp người dân có thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã vươn lên có kinh tế khá giả từ chính giống cây được coi là đặc sản của quê hương Thanh Hóa.