Ở rừng để bảo vệ rừng
Bên bếp lửa ấm cúng tiếp đãi những vị khách lạ, trong câu chuyện hồi tưởng lại quá khứ ông cha truyền lại, những người già trong làng không giấu niềm tự hào về tổ tiên người Cil đã khai phá, gìn giữ làng qua nhiều thế hệ. Già Ha Joan bảo, trong tiếng KHo, Dơng Iar Jiêng có nghĩa là vùng đồng bằng có nhiều gà rừng, nơi có suối, đất tốt và bằng phẳng. Sống ngoài bìa rừng có nhiều điều kiện, con cháu được đi học, có đường, có điện nhưng mình thấy nhớ rừng quá. Ở đây mình sống vùng đất của ông cha, gần thiên nhiên cây cỏ, tự làm ra cái ăn, cái mặc mình lại cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nhiều năm qua, làng có thêm thu nhập chính từ việc nhận bảo vệ rừng do Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà giao khoán. Những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta bao quanh làng, cách bìa rừng 25km được người dân am hiểu về rừng, sống giữa lõi rừng bảo vệ đang trở nên hiệu quả trước sự xâm hại từ lâm tặc. Một lý lẽ đơn giản nhưng thực tế được các già làng lý giải: “Ở rừng mới có thể bảo vệ rừng tốt nhất. Khi không còn đói khổ thì người dân sẽ không vào rừng chặt cây làm rẫy, bẫy thú để ăn nữa”- già Clas bộc bạch. Chính vì vậy, suốt nhiều năm qua 29 hộ dân với 200 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trung niên đã ở hẳn trong lõi rừng quốc gia sinh sống, và bảo vệ rừng, đồng thời tạo nên ngôi làng người Cil đặc biệt giữa cánh rừng nguyên sinh.
Ngày mới ở Dơng Iar Jiêng
Buổi sớm không khí trong làng thật lý tưởng, nắng vàng, suối chảy êm ả, chim hót véo von. Người Cil gọi nhau lên nương khi hơi sương còn lạnh buốt. Hôm nay nhà già Ha Klas (70 tuổi) gồm con cháu 14 người đều ra đồng. Đám trẻ nhỏ được ông giao ngồi trong chòi lá giật dây đuổi chim ở thửa ruộng chưa thu hoạch, phụ nữ thì xúm vào gặt lúa.
Già Ha Klas tâm sự, mấy chục năm nay bà con sống giữa vùng rừng núi độc đạo nên tự cung tự cấp gần như hoàn toàn. Cái gì thiếu thì mỗi tháng một lần người Cil lại mang những sản vật từ rừng ra đổi ở bìa rừng lấy những thứ thiết yếu nhất như dầu, muối, lưới bắt cá. “Ở đây đất tốt không cần bỏ phân nên mình trồng ngô, lúa đủ ăn cả năm. Nhà nào thiếu cái gì thì đổi qua lại cho nhau chứ không mua bán như cuộc sống ở ngoài bìa rừng náo nhiệt”- già nói.
Gần nhà già Ha Klas là ngôi nhà bé nhỏ nằm đầu làng của già Ka Huệ (70 tuổi) được coi là người phụ nữ lớn tuổi nhất làng. Nhiều năm nay không gặp người lạ, bà nhìn chúng tôi bẽn lẽn cười. Câu chuyện bà hào hứng kể nhất là việc người phụ nữ trong làng có thể làm đẹp bằng nhiều loại cây rừng, ở Dơng Iar Jiêng, cây trang điểm và củ son môi, củ sâm đỏ người dân có thể tìm thấy nhiều trong tự nhiên. “Đến ngày lễ cúng mùa lúa, ngày cưới phụ nữ mình hái củ son môi quệt cho môi đỏ, giã lá cây trang điểm thay phấn cho má trắng hồng, sâm đỏ cho da dẻ hồng hào. Cha ông mình dạy như vậy và mình vẫn duy trì cho đến bây giờ” - già Huệ hào hứng chia sẻ.