Lạng Sơn tập trung “hạ nhiệt” các điểm nóng ô nhiễm

28/10/2014 00:00

(TN&MT) -Tỉnh Lạng Sơn quyết tâm “thanh lọc” môi trường miền sơn cước ngày càng xanh hơn, sạch hơn

   
(TN&MT) - Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đây là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lạng Sơn quyết tâm “thanh lọc” môi trường miền sơn cước ngày càng xanh hơn, sạch hơn.
   
Tập trung xử lý “điểm đen” ô nhiễm
   
  Xác định các điểm nóng ô nhiễm làm giảm chất lượng nguồn nước, đất, không khí, mỹ quan…gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Ngân sách nhà nước phải chi hàng trăm tỷ đồng để khắc phục, xử lý. Lạng Sơn đã rốt ráo vào cuộc từng bước giảm thiểu các khu vực ô nhiễm trên địa bàn.
   
  Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định số 64. Đến nay có 7/9 đơn vị được chứng nhận việc hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. 2 cơ sở còn lại hiện đang trong giai đoạn thực hiện các biện pháp xử lý triệt để.
   
   
Lạng Sơn đa dạng hóa tuyên truyền về BVMT
   
  Trong đó, trường hợp của mỏ than Na Dương, hiện nay Công ty TNHH MTV than Na Dương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xử lý nước thải lòng moong khai thác và đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị rút tên khỏi Quyết định 64, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xem xét, thẩm định.
  Thực tế là từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn tồn đọng hơn 12 tấn hóa chất và bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, do các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh bắt giữ. Số thuốc này hiện nằm rải rác, ở 7 kho, trong các kho này hiện chứa hơn 36 loại thuốc, bảo vệ thực vật, nhập lậu từ Trung Quốc vào, với nhiều chủng loại khác nhau, không nhãn mác, thuốc dạng ống nước, thuốc bột, thuốc trừ cỏ, thuốc diệt chuột cực độc...
   
  UBND tỉnh cho biết, hiện nay, nền kho tại huyện Hữu Lũng được thực hiện với tổng kinh phí 5.116 triệu đồng, tỉnh đã đối ứng 2.558 triệu đồng (trong đó xin Trung ương hỗ trợ 2.558 triệu đồng). Tuy nhiên việc thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được kinh phí hỗ trợ của Trung ương.
  Đối với Dự án Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại xã Long Đống, huyện Bắc Sơn: Dự án đã được Trung ương hỗ trợ 5.779 triệu đồng, tỉnh đã đối ứng 2.000 triệu đồng, dự án đang được triển khai thực hiện nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trong khu vực.
   
  Tiếp đó đối với nền kho thuốc BVTV tại thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 1027 Phê duyệt báo kinh tế - kỹ thuật dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn và Quyết định số 1028 Phê duyệt báo kinh tế - kỹ thuật dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, (Tỉnh đã có văn bản cam kết đối ứng) tuy nhiên chưa có kinh phí để triển khai thực hiện.
   
Trên 140 tỷ cho công tác BVMT
   
  Theo kế hoạch dự toán kinh phí BVMT năm 2015, tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch đầu tư trên 140 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó kinh phí sự nghiệp môi trường của các đơn vị, địa phương là trên 98 tỷ triệu đồng. Số còn lại đề nghị Trung ương hỗ trợ về công nghệ, trang thiết bị phân tích và thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
  Trong đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương; xử lý ô nhiễm các nền kho thuốc Bảo vệ thực vật; xử lý ô nhiễm môi trường suối ngọc tuyền khu du lịch hang Nhị - Tam Thanh;  ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đèo Quao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý triệt để các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1200 của tỉnh.
   
  Có thể thấy mức đầu tư cho công tác BVMT của tỉnh Lạng Sơn đã tăng lên đáng kể nhờ đó đã giảm thiều và ngăn ngừa ô nhiễm. Đơn cử, năm 2010 và năm 2011, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cấp tổng kinh phí là 1.990 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ khảo sát, lập dự án, xây dựng công trình phục vụ dự án và một phần kinh phí xử lý ô nhiễm. Dự toán kinh phí chi sự nghiệp môi trường năm 2013 là  57.092 triệu đồng và năm 2014 là 86.552 triệu đồng. Theo đánh giá, kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2013 và năm 2014 đảm bảo theo kế hoạch đề ra và quản lý, sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường đúng mục đích, có hiệu quả góp phần thực hiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp.
   
  UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt công tác tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các cở sở sản xuất kinh doanh và dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau hoạt động khai thác khoáng sản.
   
Phương Anh
            
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn tập trung “hạ nhiệt” các điểm nóng ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO