Làm 2 cầu vượt để 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất

08/02/2017 00:00

Hôm nay (ngày 8.2), Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh cùng lúc khởi công xây dựng hai cầu thép vượt nút giao Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất và cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn.

Hai cầu vượt này không chỉ nhằm kéo giảm ùn tắc cho các tuyến đường vào-ra sân bay Tân Sơn Nhất mà còn tăng năng lực lưu thông nối giữa Q.Gò Vấp với Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình và ngược lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc có hai cây cầu vượt này chỉ là giải pháp tạm thời, nếu không có quy hoạch tổng thể thì 2-3 năm nữa tình trạng kẹt xe sẽ lại tái diễn.

Một vụ kẹt cứng tại nút giao thông Trường Sơn - nhánh đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - vành đai ngoài (Q.Tân Bình), ngay cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất .
Một vụ kẹt cứng tại nút giao thông Trường Sơn - nhánh đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - vành đai ngoài (Q.Tân Bình), ngay cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất .

6 dự án giảm kẹt xe đường vào sân bay

Theo Sở GTVT, cầu vượt đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế là công trình vĩnh cửu với hai nhánh rẽ hình chữ Y. Nhánh 1 từ đường Trường Sơn lên rộng 10,75m, khi rẽ vào ga quốc tế được “vuốt” nhỏ lại rộng 7,5m, chiều dài toàn nhánh 1 là 303m. Nhánh 2 từ giữa cầu vượt rẽ trái vào ga quốc nội dài 153m, rộng 7,5m. Cầu có tĩnh không 4,75m, mặt đường dưới cầu rộng 40m được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu kết hợp với các đảo phân làn. Tổng mức đầu tư cho toàn công trình là 242 tỉ đồng, thời gian thi công là sáu tháng.

Còn cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn bằng thép có dạng chữ N với ba nhánh. Nhánh 1 từ đường Nguyễn Kiệm (phía BV 175, quận Gò Vấp) về đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận) dài 367m, rộng 7,5m. Nhánh 2 từ đường Hoàng Minh Giám vượt qua nút đi thẳng về phía đường Nguyễn Thái Sơn dài 362m, rộng 6m. Nhánh 3 từ hướng đường Nguyễn Kiệm, phía quận Phú Nhuận vượt qua nút nối vào đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) có chiều dài 367m, rộng 7,5m.

Cùng với việc xây dựng cầu vượt, Sở GTVT sẽ cải tạo, mở rộng đường ra-vào các nút giao để đảm bảo cho xe thoát nhanh qua giao lộ. Theo Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn là 504 tỉ đồng, thời gian xây dựng là chín tháng.

Theo Sở GTVT TPHCM, cả hai dự án trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ đề xuất của UBND TP cho xây công trình theo lệnh khẩn cấp.

Ngoài 2 dự án cầu vượt kể trên, Sở GTVT TP cho biết sẽ triển khai thêm 4 dự án trong năm 2017 để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang (Q.Phú Nhuận), dự án mở rộng đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình).

Tốn hơn 700 tỉ đồng là giải pháp trước mắt

Theo Sở GTVT TPHCM, 2 dự án cầu vượt nói trên khi đưa vào sử dụng không chỉ nhằm kéo giảm ùn tắc cho các tuyến đường vào-ra sân bay Tân Sơn Nhất mà còn tăng năng lực lưu thông nối giữa Q.Gò Vấp với Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình và ngược lại. Cụ thể, sau khi hoàn thành cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn, dòng xe đi vào sân bay và dòng xe đi từ đường Trường Sơn ra đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi sẽ được phân luồng đi trên cầu vượt và phía dưới nên không còn gặp nhau tại nút giao Trường Sơn.

Trong khi đó, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn là giao lộ của các trục giao thông chính quan trọng của Q.Gò Vấp và thành phố, trong đó đường Nguyễn Kiệm là một trong những tuyến huyết mạch nối các quận, huyện phía bắc TP gồm Q.12, huyện Hóc Môn, Q.Gò Vấp và kết nối với trung tâm TP. Vì vậy, lượng xe qua vòng xoay này quá lớn gây quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe, nhất là giờ cao điểm. Đặc biệt, từ khi dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hoàn thành, một lượng xe rất lớn từ Q.Thủ Đức, Bình Dương đổ về khiến tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.

Phối cảnh cầu vượt hình chữ N ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, Phú Nhuận).
Phối cảnh cầu vượt hình chữ N ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, Phú Nhuận).

Qua khảo sát của Sở GTVT tại khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, hướng giao thông theo Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn từ trung tâm TP đi Q.Gò Vấp và ngược lại hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám từ Gò Vấp về trung tâm TP chiếm lưu lượng xe lớn nhất vào nút, khoảng 75% so với hiện hữu và khoảng 56% khi có tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Do vậy, nếu xây dựng cầu vượt theo các hướng này thì có thể giảm tải được hơn 56-75% lưu lượng xe tại nút, giải quyết được tình trạng kẹt xe tại đây.

TS Phạm Sanh (chuyên gia về giao thông) cho rằng, việc xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, TS Phạm Sanh cho rằng hai cầu vượt này chỉ giải quyết một phần trước mắt.

Về lâu dài vẫn là bài toán quy hoạch đô thị, kết nối mạng lưới giao thông gắn với phát triển giao thông công cộng, bãi đỗ xe,…

“Hai cầu vượt này chỉ có tác dụng từ 2-3 năm thì sẽ kẹt xe lại, đặc biệt là cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Thực tế cho thấy tại nút giao thông Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám kể từ khi có cầu vượt thép đã giúp giảm ùn tắc giao thông cục bộ tại đây, nhưng lại khiến áp lực phương tiện giao thông dồn về các tuyến đường lân cận, phát sinh những điểm kẹt xe mới” - TS Phạm Sanh nói.

Theo TS Phạm Sanh hiện nay ra-vào sân bay đều dồn vào đường Trường Sơn là chưa ổn. TP có thể phối hợp với ngành hàng không xem xét đẩy nhanh việc mở thêm các cổng ra vào sân bay kết nối với các trục đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, để giải tỏa áp lực cho đường Trường Sơn hiện nay.

Cần gần 20.000 tỉ đồng để cải tạo mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Nguồn tin từ Bộ GTVT, đơn vị tư vấn cho biết, việc nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 42-45 triệu hành khách chỉ cần khoảng 19.700 tỉ và thi công trong khoảng 2-3 năm sau khi Bộ Quốc phòng hoàn tất việc bàn giao đất. Đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Tân Sơn Nhất theo hướng xây dựng thêm một đường lăn thoát nhanh, một đường lăn song song và triển khai làm sân đỗ tại khu vực 21ha; đầu tư nhà ga lưỡng dụng T3, nhà ga hành khách T4 cùng có công suất 10 triệu khách/năm trên khu vực Trung đoàn 917 - 918 hiện nay.

Theo Báo Lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm 2 cầu vượt để 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO