Anh Giàng Seo Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn cho biết: “Vùng cao Mản Thẩn khí hậu khắc nghiệt, trước đây bà con chỉ trồng ngô 1 vụ rồi để đất trống rất lãng phí. Bây giờ mỗi mét vuông đất còn quý hơn vàng. Nhờ trồng được cây tăng vụ, hệ số sử dụng đất đã tăng lên. Vụ đông vừa qua, 50 ha đất trống được phủ lên màu xanh của ngô cao sản, bà con thu hoạch được tới 150 tấn ngô hạt và còn trồng 32 ha cây đao riềng, đang bắt đầu cho thu hoạch.
Đặc biệt, nhân dân trồng được 20 ha rau các loại, nhiều nhất là bắp cải, ngoài ra có rau cải, rau gia vị... Rau xanh Mản Thẩn trở thành hàng hóa, cung cấp cho cả Si Ma Cai. Trên rừng đá tai mèo nhọn hoắt và sương giá tái tê, mà nhà nhà trồng rau, có những hộ mỗi năm thu được từ 30 - 40 triệu đồng từ bán rau xanh. Từ chuyện trồng trọt, anh Châu say sưa kể sang chuyện chăn nuôi, chuyện làm giàu từ nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa bán được hơn 6,5 tỷ đồng; rồi chuyện xã có gần 30 hộ thoát nghèo....
Lên Mản Thẩn bây giờ, khách có thể ngược dốc theo con đuờng bê tông đến tận thôn Say Sán Phìn, nằm chót vót trên đỉnh núi. Nghe anh Châu giới thiệu thì đây là thôn đầu tiên của huyện Si Ma Cai hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường. Thật dễ dàng nhận ra những nhà vệ sinh mới xây bên ngôi nhà tường trình truyền thống. Thôn vùng cao mà hầu như hộ nào cũng làm chuồng gia súc xa nhà và nuôi nhốt gia súc chứ không thả rông như tôi vẫn thấy. Anh Lừu Thề Pao, Trưởng thôn Say Sán Phin tay chỉ, miệng khoe: “Anh thấy đấy, một năm nay đường thôn Say Sán Phin không còn rác, phân trâu, phân bò như trước.
Ở đây, cứ 3 - 4 hộ có một thùng đựng rác chung, khi đầy thì cùng nhau thu dọn cho sạch sẽ. Thứ Bảy hằng tuần, từ người già đến trẻ em đều tự giác “ra quân” dọn vệ sinh quanh nhà, phát quang bụi rậm, quét dọn đường làng, ngõ xóm cho sạch sẽ...”.
Từ điểm sáng Say Sán Phin phong trào cải tạo vệ sinh môi trường lan tỏa ra các thôn, bản khác. Hiện nay, xã có 351 hộ, thì 305 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Vùng cao Màn Thẩn mùa tam giác mạch
Ngoài ra, trong năm, bà con Mản Thẩn còn làm mới được nhiều chuồng lợn, chuồng trâu, đào hố rác, hố ủ phân... vượt xa so với kế hoạch. Đúng là trên một đỉnh núi mù sương còn muôn vàn khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đây thực sự là một kỳ tích ít nơi có được. Đến những bản làng vùng cao Mản Thẩn, ở đâu tôi cũng được nhận những lời mời tha thiết mùa xuân này về với Mản Thẩn để chung vui cùng bà con. Những lời mời mộc mạc mà thân tình như mưa ngàn, gió núi nơi đây khiến tôi cũng vui lây, chẳng thể chối từ.
Chia tay Mản Thẩn mà vẫn còn tiếc vì chuyến đi này chưa đến được tất cả các thôn, bản để thấy hết sự đổi thay của mảnh đất này. Nhưng chỉ với vài nét phác thảo ấy thôi, cũng đủ làm nên bức tranh tươi sáng về vùng cao nơi đây. Hoa đào vẫn rung rinh khoe sắc trong nắng gió, một mùa xuân mới đang đến trên cao nguyên đá Mản Thẩn khiến lòng người càng thêm phấn chấn.