Việc sử dụng đất đai liên tục biến động
Theo Bộ Xây dựng, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và pháp luật về đất đai cho thấy, một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu thống nhất, còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.
Các bất cập chủ yếu nằm ở nội dung về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghệ cao; quy định trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất; chủ thể sử dụng đất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phân loại đất; tài chính về đất đai; chính sách đất đai liên quan đến phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; chính sách đất đai phát triển nhà ở xã hội; trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành liên quan về đất đai...
Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất liên quan đến nhiều chủ thể và biến động thường xuyên, liên tục dưới tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu mở rộng đất đô thị lớn, chính sách quản lý, sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất đòi hỏi phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Trong khi đó, công tác nghiên cứu cơ sở lý luận, phương pháp luận đổi mới về quy hoạch và phát triển đô thị còn chưa kịp thời để phục vụ cho công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở... có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo, trong khi sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.
Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu mở rộng đất đô thị lớn. Ảnh: Hoàng Minh |
Huy động nguồn lực triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Bộ Xây dựng cho rằng cần huy động mọi nguồn lực, chú trọng xã hội hóa để triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị và công trình giao thông kết nối giữa đô thị với các địa phương lân cận, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị.
Cần hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ban hành quyết định của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất.
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, đặc biệt là đất đô thị để điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản cần tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, hệ thống định giá đất đảm bảo được yêu cầu định giá đất phục vụ các mục đích khác nhau trong quản lý, sử dụng và giao dịch về quyền sử dụng đất.
Đổi mới mô hình chính quyền đô thị cả về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và nội dung quản lý Nhà nước về đô thị là một đề xuất của Bộ Xây dựng. Trong đó cần quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác quản lý, chuyên môn ở đô thị. Tăng cường nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ chuyên môn về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương. Nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đảm bảo yêu cầu thực hiện công tác quản lý Nhà nước.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai đối với các dự án bất động sản, nhà ở và phát triển đô thị trên phạm vi cả nước, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật…