Triển khai Luật Đất đai 2024

TP. Huế quyết tâm, nỗ lực triển khai thi hành Luật Đất đai

Văn Dinh (thực hiện) 27/01/2025 - 06:46

(TN&MT) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, TP. Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025 đang quyết tâm và nỗ lực để triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; qua đó nhằm sớm đưa Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế.

datdaihue-1.jpg
Ông Phan Quý Phương -
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế

PV: Xin ông cho biết, Luật Đất đai 2024 có ý nghĩa như thế nào với công tác quản lý đất đai tại địa phương?

Ông Phan Quý Phương: Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng.

UBND thành phố Huế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thi hành Luật Đất đai; ngoài ra, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của TP. Huế cũng tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai 2024. Trong khi đó, Sở TN&MT phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan đã và đang triển khai tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai và các văn bản thi hành Luật trên địa bàn đối với 9/9 đơn vị cấp huyện nhằm tập huấn Luật, các Nghị định thi hành Luật, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (trước đây) quy định chi tiết thi hành Luật.

Thông qua Luật Đất đai, địa phương sẽ đưa nguồn lực đất đai vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực và đột phá khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 175/2024/QH15 và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội; trong đó chú trọng đến những đổi mới liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất…

Luật cũng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền qua đó tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, giúp công tác quản lý về đất đai được thuận lợi, tránh ùn ứ, kéo dài công việc.

PV: Kể từ khi Luật Đất đai 2024 được ban hành, Huế đã thực hiện Luật như thế nào, hiệu quả ra sao?

Ông Phan Quý Phương: Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, bước đầu đã đi vào cuộc sống. Có thể khẳng định, sau nhiều tháng triển khai thi hành Luật Đất đai với quyết tâm cao, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất; các chính sách mới đã mang lại hiệu quả như việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đã tạo được sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, TP. Huế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; tuyên truyền, phổ biến, bố trí nguồn lực để tổ chức thi hành Luật.

Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường cho các cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước có liên quan đất đai tại UBND các các huyện, thị thành và UBND cấp xã, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. TP. Huế cũng đã ban hành đầy đủ các Quyết định, quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, hiện đang giao Sở Nội vụ, Sở TN&MT xây dựng thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất trực thuộc UBND TP. Huế đảm bảo theo quy định pháp luật.

Về bảng giá đất, TP. Huế đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị kịp thời điều chỉnh bảng giá sau thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024. Việc ban hành bảng giá đất được sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng các dự án, góp phần đưa đô thị Huế ngày càng hiện đại, hội nhập và phát triển.

datdaihue-4.jpg
Luật Đất đai 2024 sẽ giúp vùng đất Cố đô phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

PV: Để tiếp tục đưa Luật Đất đai 2024 đi vào thực tiễn, Huế sẽ triển khai các công việc trọng tâm nào trong thời gian tới?

Ông Phan Quý Phương: Để đưa Luật Đất đai 2024 sớm đi vào cuộc sống,phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, TP. Huế sẽ nỗ lực hơn nữa, tăng cường lãnh chỉ đạo, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền; đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

UBND TP. Huế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm... thực hiện xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý đất đai để bảo đảm các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương hiệu quả, thống nhất. Thực hiện lập, công khai minh bạch quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở tránh cơ hội các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai; các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng phương án tạo quỹ đất để đấu giá đảm bảo nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân. TP. Huế cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Huế quyết tâm, nỗ lực triển khai thi hành Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO