Hà Nội ứng dụng công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt

04/10/2014 00:00

(TN&MT) - Đó là công nghệ tiên tiến vừa được Hà Nội ứng dụng tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây.

   
(TN&MT) - Đó là công nghệ tiên tiến vừa được Hà Nội ứng dụng tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây. Đóng trên địa bàn xã Xuân Sơn (TX SơnTây) nhà máy xử lý rác hiện đại này được khánh thành ngày 04/10, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014).
   
  Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT, lượng chất thải rắn thông thường phát sinh trong cả nước vào khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm. Bộ TN&MT cũng dự báo, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên cả nước ước tính khoảng 37.000 tấn/ngày và vào năm 2020 là 59.000 tấn/ngày.
   
Lãnh đạo Hà Nội gắn biển Công trình Chào mừng 60 năm
Giải phóng Thủ đô cho Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây
   
  Tuy nhiên, việc xử lý rác thải rắn hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp khi tỷ lệ này chiếm đến gần 80%, còn các công nghệ đốt và sinh học chỉ chiếm khoảng 20%. Tại Hà Nội, công nghệ chôn lấp đang thực hiện với khối lượng khoảng 3.700 tấn/ngày còn hai công nghệ đốt và sinh học chỉ thực hiện với khối lượng 600 đến 700 tấn/ngày.
   
  Công nghệ đốt có thu hồi nhiệt là công nghệ lần đầu tiên áp dụng ở nước ta. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là công nghệ tiên tiến thể hiện ở 3 tiêu chí: Thời gian xử lý nhanh nhất; Khối lượng chất thải còn lại nhỏ nhất, ô nhiễm thứ cấp được kiểm soát và giảm thiểu tốt nhất và khả năng tái sử dụng chất thải hiệu quả cao.
   
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thăm phòng điều hành của Nhà máy
   
  Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Phúc Thành - Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Thăng Long, đơn vị chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây, cho biết: Dây chuyền xử lý rác bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt tại nhà máy Sơn Tây thực hiện 3 mục tiêu: Thứ nhất, nghiên cứu phát triển các công nghệ thu gom xử lý rác theo hướng giảm thiểu chất thải, xử lý nhanh ô nhiễm và tái sử dụng. Thứ hai, ứng dụng công nghệ mới xử lý rác cho thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố khác theo tinh thần Quyết định 798/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình đầu tư, xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020. Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, phát triển ngành công nghiệp môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2015-2020.   
  C
Công nghệ và thiết bị hiện đại giúp cho Nhà máy giảm ô nhiễm môi trường
đến mức tối đa khi vận hành xử lý rác thải
   
  Còn theo ông Vũ Hồng Khanh -  Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội, ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… rác sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt và phát điện mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Hà Nội đã giao Công ty môi trường đô thị Thăng Long nghiên cứu, đầu tư và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây với 2 dây truyền có công suất 700 tấn/ngày. Đây là một trong những dự án mà Hà Nội thực hiện kêu gọi xã hội hóa. Hà Nội luôn khuyến khích, mong muốn và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dự án môi trường.  
   
  Vẫn theo ông Khanh, Thành ủy, UBND TP Hà Nội luôn coi trọng việc bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải là một trong những ưu tiên hang đầu trong chiến lược phát triển bền vững. “Việc vận hành nhà máy hiện đại vào dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà đây còn là hành động thiết thực của Thủ đô trong việc thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường đồng thời là điều kiện góp phần đảm bảo hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Hà Nội”.  – ông Vũ Hồng Khanh nói.
   
Bài & ảnh: Việt Hùng  
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ứng dụng công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO