Gia Lai: Người dân bị lừa, hàng ngàn tấn bí đang thối rữa

10/06/2017 00:00

(TN&MT) - Dọc theo QL14, đoạn qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nhiều hộ nông dân đã chất bí xanh thành đống bán cho người qua đường nhằm gỡ gạc lại chút đỉnh. Song giữa cái nắng, mưa Tây Nguyên đang làm cho bí xanh thối rữa nhanh hơn. Cách làm tình thế này cũng chỉ giải quyết được khoảng 10% bí tồn đọng, số còn lại đến 90% đang thối rữa tại ruộng.

 Tin vào hợp đồng “mập mờ” nông dân đổ xô trồng bí.
Tin vào hợp đồng “mập mờ” nông dân đổ xô trồng bí.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do người dân tin vào bản hợp đồng “mập mờ” với Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên về cung cấp cây giống và bao tiêu nông sản. Từ đó, hơn chục hộ dân xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai đã bỏ hàng trăm triệu đồng để trồng bí xanh và bí đỏ.

Dân tin vào doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Liêm - thôn Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê kể lại: Hơn 6 tháng trước, Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên do bà Tô Thị Hồng Tươi làm Tổng giám đốc đã đến trực tiếp giới thiệu và ký hợp đồng với bà con xã Ia Glai về dự án trồng bí xanh Đài Loan và bí đỏ Nhật Bản và thu mua toàn bộ nông sản bà con làm ra với giá trị 5.000 đồng/kg. Bà Tô Thị Hồng Tươi đã trực tiếp nói như vậy với bà con.

Bí xanh chất thành đống ven QL14 bán cho người đi đường.
Bí xanh chất thành đống ven QL14 bán cho người đi đường.

Theo bài toán công ty đưa ra: bí xanh quả lớn có trọng lượng trừ 10 đến 15 kg/quả, bí đỏ có trọng lượng khoảng 5 k/quả. Năng xuất đạt 50 tấn/ha. Chi phí khoảng 50 triệu đồng/ha với giá thu mua 5.000đồng/1kg thì ước tính sau khi trừ mọi chi phí người dân lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha. Thấy có hiệu quả kinh tế cao, nên ông Liêm đã cùng với 4 người hàng xóm là Phạm Văn Xuất, Ngô Xuân Nhuận, Nguyễn Khắc Thập, Nguyễn Văn Hào cùng nhau thuê 6,5ha để trồng bí xanh và bí đỏ.

Ông Liêm cho biết thêm: trên diện tích 6,5ha ông và 4 người hàng xóm đã bỏ ra hơn 300 triệu để đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phân và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho cây bí xanh và bí đỏ. Khi công ty phát giống, đem về ươm thì tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 20% - 30%. Vì vậy, công ty đã hỗ trợ thêm giống bí đỏ Nhật Bản để bù lại. Suốt quá trình trồng, chăm sóc cây bí, phía công ty đã cho người xuống giám sát và hướng dẫn kỹ thuật để bà con chăm sóc. Chính vì vậy, các hộ dân càng tin tưởng rằng công ty sẽ thu mua hết nông sản cho mình. Yên tâm về đầu ra, các hộ dân tập trung chăm sóc, xới cỏ, bón phân, với hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu. Đến kỳ thu hoạch bí xanh và bí đỏ cho quả sai, khi quả bí xanh đạt khoảng từ 10-15kg/quả thì nhân viên và lãnh đạo công ty bỗng dưng biến mất không liên lạc với nông dân.

Nhiều hộ dân tay trắng vì trồng bí xanh liên kết với công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên.
Nhiều hộ dân tay trắng vì trồng bí xanh liên kết với công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên.

Chung hoàn cảnh, Ông Nguyễn Văn Bát đau xót nói: “Thấy bà con trong vùng xôn xao trồng bí xanh, bí đỏ nên tôi đã đi vay mượn thuê 3ha đất rồi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên để theo dự án trồng bí. Sau kỳ chăm sóc, ước tính 3ha cho thu khoảng 150 tấn bí xanh. Thế nhưng công ty đã cao chạy xa bay, người dân thì không biết bán bí cho ai. Nếu thu hái thì tăng chi phí và bán chẳng ai mua, đành bỏ thối rửa ngoài ruộng, ai đến thì cho cả xe chở về ăn…

Ông Bát cho biết:  Vào khoảng tháng 4/2017, khi bí gần đến ngày thu hoạch bà con đã đến nhà bà Tươi để hỏi về kế hoạch thu mua nông sản. Lúc đó bà Tươi bảo đi về Hà Nội để chuẩn bị xe thu mua cho bà con. Từ đó, bà Tươi cắt mọi liên lạc với các hộ nông dân...

Biết mình bị lừa, các hộ nông dân đã tới địa chỉ công ty ghi trên hợp đồng tại 127, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Pliêku, tỉnh Gia Lai nhưng lại là địa chỉ nhà của một người tham gia dự án trồng bí và cũng khốn đốn như các hộ dân trong vùng với hàng trăm tấn bí bán chẳng ai mua.

Giải pháp nào cho nông dân?

Trong hợp đồng giữa người dân và Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên có rất nhiều điều khoản người nông dân hoàn toàn bất lợi. Hợp đồng ghi rất rõ điều kiện ràng buộc người trồng tuyệt đối không được bán quả bí nào ra thị trường, nếu bán bị phát hiện thì người nông dân phải bồi thường gấp 10 lần giá mà công ty mua vào. Khi đến kỳ thu hoạch nông dân phải thông báo bằng văn bản cho công ty cử cán bộ đến giao nhận sản phẩm. Thế nhưng, trong hợp đồng tuyệt nhiên không có một điều khoản nào ghi trách nhiệm hay cách xử lý nếu công ty không đến thu mua sản phẩm như đã ký kết.

Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thừa nhận: Trong xã có rất nhiều hộ trồng bí xanh và bí đỏ cho công ty này. Tuy nhiên, hiện UBND xã mới tổng hợp được 8 hộ trồng quy mô trồng lớn, với 18,5ha. Các hộ này ký hợp đồng với Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên để bao tiêu sản phẩm. Công ty này về ký kết với dân mà không hề thông qua chính quyền xã. Đến ngày thu hoạch, công ty này đã bỏ chạy, điện thoại không liên hệ được và cũng không mua được 1kg nào cho dân. Hiện giờ xã cũng chưa có giải pháp nào để tháo gỡ cho nông dân, trong khi đó hàng ngàn tấn bí xanh, bí đỏ đang bị thối rữa giữa ruộng.

Theo Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết: Phòng đã nắm được vấn đề. Các hộ này tự ký hợp đồng với các công ty không thông qua chính quyền địa phương sẽ khó có biện pháp để xử lý vấn đề. Do đó, người dân khi tham gia bất kỳ hợp đồng liên kết trồng các loại giống mới phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ, nên thông báo cho chính quyền địa phương biết, để kiểm tra tư cách pháp nhân cho rõ ràng, đồng thời gắn trách nhiệm địa phương để việc liên kết được bền vững tránh tình trạng tiền mất tật mạng như hiện nay./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Người dân bị lừa, hàng ngàn tấn bí đang thối rữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO