Du xuân dòng Nậm Mã

12/02/2014 00:00

(TN&MT) - Trong tiếng Việt cổ, sông Mã có tên là sông Mạ - có nghĩa là sông lớn, sông mẹ.

(TN&MT) - Trong tiếng Việt cổ, sông Mã có tên là sông Mạ - có nghĩa là sông lớn, sông mẹ. Người dân tộc Thái sát biên giới Sôm Păng - Tén Tằn nơi thượng nguồn gọi là Nậm Mã, Nậm có nghĩa là sông. Theo dân gian, dòng nước trên sông chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi nên mang tên gọi sông Mã đến ngày nay. Sông Mã được khởi nguồn từ núi rừng Tây Bắc của Việt Nam, xuyên qua các thung lũng, các dãy núi trùng điệp của nước bạn Lào, rồi sau đó lại trở về với “đất mẹ” tại xã biên giới Tén Tằn, hòa mình vào Biển Đông tại cửa biển Lạch Hới “dừng chân” sau chặng đường dài hơn 500 km của mình. Thế nhưng, khi nhắc đến sông Mã, tuyệt đại đa số đều nhắc đến sông Mã đoạn chảy qua tỉnh Thanh Hóa bởi lẽ lúc này sông Mã mới trở nên linh thiêng và quật cường.
   
Ngược dòng…lch s
   
  Từ thượng nguồn sông Mã, chúng tôi “nhẩy” xuồng xuôi dòng, dù đã rất nhiều dịp lênh đênh trên sóng nước sông Mã nhưng lạ kỳ thay lần nào cũng khiến tôi bồi hồi, huyết quản rần rật chảy bởi vẻ đẹp thơ mộng và sự oai linh của dòng sông đã đi vào huyền thoại. Dừng chân nơi ngã ba sông Mã, sông Chu là Núi Đọ, nơi được coi là một trong những quê hương của lịch sử loài người. Trong buổi bình minh của nhân loại, người nguyên thủy đã biết tạo ra hàng vạn công cụ đồ đá cũ như rìu, nạo,… được ghè đẽo thô sơ để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Ngày nay, tại ngã ba sông, một vùng đồng bằng trù phú lớn thứ ba tại Việt Nam được hình thành và trải dài ra tận cửa biển, tạo nên những cánh đồng màu mỡ mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân Xứ Thanh.
   
  Không xa Núi Đọ là Đông Sơn một ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng Nậm Mã, ẩn khuất dưới chân cầu Hàm Rồng lịch sử, nổi tiếng khắp năm châu bởi nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ, có niên đại trên dưới 2.000 năm của một nhà nước hùng mạnh dựa trên nền nông nghiệp lúa nước. Nói đến nền văn hóa này phải nói đến Trống đồng – tuyệt đỉnh của nghệ thuật đúc đồng với kỹ thuật phát triển đạt ngưỡng đỉnh cao của thế giới cổ đại, khiến cả thế giới phải kinh ngạc thán phục. Qua các di vật bằng đồng được tìm thấy, các nhà khoa học đã nhìn nhận khi Văn hóa Đông Sơn tỏa sáng rực rỡ thì nó cũng đã được hấp thu nhiều yếu tố ngoại vùng như: Thành Tồ Điền (Vân Nam), Bản Chiềng (Thái Lan)… song vẫn mang đậm cái “hồn”, cái “chất” của Đông Sơn. Đó dường như là bài học còn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay khi đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập.
   
Sông Mã vào xuân
   
Nhng tháng năm hào hùng
   
  Theo tuyến đường vành đai biên giới Việt – Lào chừng hơn 20 phút từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi có mặt đầu nguồn của sông Mã tỉnh Thanh nơi cách Thành phố Thanh Hóa gần 270 km. Ở miền biên viễn ấy, sông Mã ngày đêm vẫn miệt mài, cần mẫn mang phù sa thượng nguồn bồi lắng làm nên những cánh đồng xanh tươi bất tật cho vùng hạ du. Tại đây, sông Mã chia “máu” hình thành nên suối Xim mang sự sống đến cho các bản làng của huyện vùng cao Mường Lát như: Bản Sốp Sim, bản Mường, bản Púng… Đang tất bật với mẻ chài khai xuân, anh Hà Văn Minh ở bản Tén Tằn, xã Tén Tằn hồ hởi cho chúng tôi thử sức làm ngư dân. Sau một hồi “vật lộn” trên chiếc thuyền nan chòng chành trên sóng nước chúng tôi đã thu được thành quả đáng mơ ước là những con cá Lăng, cá Ké… đặc sản của sông Mã. Niềm vui được nhân lên khi chàng trai dân tộc Thái mời các nhà báo bữa cơm trưa trên ngôi nhà sàn bên triền sông với món cá Lăng vừa đánh được cùng măng tươi của cây vầu, nứa có vị ngọt, mát thấm quyện vào nhau, cùng vị thơm nồng của những chén rượu ngô nương được mọi người nâng lên chúc nhau khi mùa xuân về khiến người nào cũng mềm môi nhưng là kỳ là chẳng ai say.
   
  Cũng chính nơi này, bước chân của đoàn quân Tây Tiến như còn vang vọng khắp núi rừng, Sài Khao, Mường Lát… còn ngóng chờ lắm những người con anh dũng đã ngã xuống dọc biên giới Việt – Lào thuộc vùng Tây Bắc và phía Tây tỉnh Thanh Hóa nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của giặc Pháp và quan trọng hơn là gây dựng phong trào cách mạng nơi vùng biên.
   
  Cũng trong thời gian này, cuộc chiến Điện Biên Phủ ngày càng diễn ra ác liệt, tuyến đường dọc sông Mã trở thành tuyến đường vận tải huyết mạch để quân dân Thanh Hóa tiếp ứng, chi viện cho cuộc chiến. Vào thời điểm ấy, phà Kiểu – Quán Lào, Cửa Hà – Eo Lê vừa là địa điểm tiếp nhận lương thực từ trong Nghệ An ra, vừa là vị trí trọng yếu đảm bảo giao thông xuyên suốt. Tất cả vì độc lập dân tộc, những người con xứ Thanh đã không quản ngại gian khổ, gánh gạo, tiếp lương, nhu yếu phẩm cho chiến trường.
   
Tháp Tây Tiến khắc ghi tưởng nhớ đoàn quân Tây Tiến ở thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát
   
  Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, tuyến đường “xương sống”  chi viện cho Miền Nam ruột thịt đoạn qua Thanh Hóa bị giặc Mỹ điên cuồng đánh phá. Thiếu tá Lê Xuân Giang, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, cựu chính trị viên đại đội 4 – đại đội anh hùng ở Hàm Rồng cho biết: Ông vẫn nhớ như in những năm tháng huyền thoại đó, cuộc chiến Hàm Rồng diễn ra ác liệt ngay từ đầu vì theo chúng Hàm Rồng là mục tiêu quan trọng bậc nhất, là “điểm tắc lý tưởng”. Giặc Mỹ muốn san phẳng Hàm Rồng, đưa chúng ta về thời mông muội – thời kỳ đồ đá nhưng nào có ngờ tham vọng đó của chúng đã bị quân dân tỉnh Thanh chôn vùi vĩnh viễn dưới lòng sông Mã oai hùng. Cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng diễn ra cực kỳ ác liệt, giặc Mỹ quyết đánh, ta quyết giữ. Cầu Hàm rồng từ mục tiêu đơn thuần là giao thông, dần trở thành biểu tượng của ý chí và lòng quyết tâm đánh giặc Mỹ của quân dân toàn miền Bắc, là nơi chôn vùi uy lực, sự kiêu ngạo đồng thời là nỗi khiếp đảm của không lực và hải quân Hoa Kỳ.
   
  Người lính già còn cho biết: Cầu Hàm Rồng là một trong những cây cầu được bảo vệ lâu dài nhất suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 – 1973. Tại đây, chỉ trong hai ngày 03 - 04/04/1965 có tới 47 “Thần sầm”, “Con ma” bị quật ngã. Hàm Rồng thực sự đã rực lửa, sông Mã đã gầm vang nổi giận trước sự hung tàn của kẻ thù, để rồi khi kết thúc cuộc chiến 117 máy bay Mỹ đã bị chôn vùi dưới lớp bùn sâu của dòng sông “mẹ”.
   
  Giờ đây, cầu Hàm Rồng ngày đêm vẫn sừng sững soi mình bên dòng sông Mã bất tận như viết tiếp những trang sử hào hùng bốn ngàn năm của dân tộc. Thấp thoáng đâu đó dưới triền sông hình bóng của những người nông dân đang hồ hởi cấy hái với hy vọng một mùa vụ mới bội thu. Chia tay núi Ngọc, núi Rồng, đồi C4… trong một buổi chiều muộn của năm mới, khi những cánh chim đã về với tổ ấm. Dòng sông đã không còn hung dữ, tung bọt trắng xóa, thay vào đó là sự yên bình, sâu lắng như hoài niệm về những ký ức xa xăm. Xuân mới Giáp Ngọ đã ngập tràn khắp mọi miền của Tổ Quốc, mong rằng sông Mã sẽ “tung vó” cùng cánh chim huyền thoại Hạc Thành đưa Xứ Thanh ngày càng giàu mạnh, vững bước trên con đường phát triển.
   
  Bài và ảnh:  Nguyn Dũng -  Anh Tú
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du xuân dòng Nậm Mã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO