Tiếng dân

Dự án mở rộng đường Côn Sơn – Kiếp Bạc: Dân kêu cứu vì phương án bất nhất?

Quán Dũng - Doãn Xuân 04/04/2024 - 21:49

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của hơn 10 hộ dân sinh sống tại thôn An Lĩnh và thôn Bến, xã Lê Lợi, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương phản ánh về dự án đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (giai đoạn 2 từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng) đền bù không thỏa đáng, bên cạnh đó là hàng loạt bất cập khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Phương án bồi thường mới khiến dân “kêu trời”

Dự án mở rộng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã triển khai xong giai đoạn 1, hiện tại giai đoạn 2 từ ngã ba Đầu Rồng – An Lĩnh đang được xúc tiến đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân khi nhận được phương án bồi thường mới biết số tiền họ được đền bù khác xa với số tiền những hộ được đền bù giai đoạn 1.

Thậm chí, có hộ thuộc diện đền bù giai đoạn 1 nhưng do tiền ngân sách khi đó thiếu vốn nên đã chuyển sang giai đoạn 2 để thu hồi song số tiền được đền bù lúc này thấp hơn nhiều so với phương án cũ. Ngoài ra, TP. Chí Linh còn áp giá đền bù không đồng nhất và gộp nhiều thửa đất để đền bù trong khi các thửa đất đã tách quyền sử dụng đất riêng biệt…

484a039a-efa8-4ede-a85a-5a5d5cd51217.jpg
Hơn 10 hộ dân bị thu hồi đất, tài sản trên đất kêu cứu vì chính quyền TP. Chí Linh bồi thường không thỏa đáng

Ông Nguyễn Văn Đoán, người dân thôn Bến, xã Lê Lợi bức xúc: Theo phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu năm 2013 (giai đoạn 1) thì gia đình tôi bị thu hồi diện tích 892m2 đất ở tại tờ bản đồ số 155, thửa đất số 24 xã Lê Lợi, Thị xã Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh) với mức giá đền bù 4 triệu đồng/m2. Tổng cộng các khoản đền bù gia đình ông Đoán khi đó được nhận hơn 4,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý để người dân nhận tiền hỗ trợ bồi thường thì UBND Thị xã Chí Linh lại dừng bồi thường cho người dân, với lý do ngân sách địa phương không đủ.

a93c1878-ef47-43f5-9317-712930343698.jpg
Ông Nguyễn Văn Đoán là một trong những gia đình đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng năm 2013

Vụ việc sẽ không có gì để nói nếu như Nhà nước tiến hành đền bù cho người dân từ năm 2013! Sau hơn 10 năm, tức ngày 29/12/2023, UBND TP. Chí Linh có Quyết định số 4642/QĐ – UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 292/QĐ –UBND ngày 14/8/2013. Theo đó, gia đình ông Đoán từ diện bị thu hồi 892m2 đất ở tại tờ bản đồ số155, thửa đất số 24, xã Lê Lợi nay điều chỉnh diện tích thu hồi còn 760,5m2. Tuy nhiên, theo phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu ngày 28/12/2023 lại khác hoàn toàn so với phương án bồi thường năm 2013.

Cụ thể, đất ở nông thôn chỉ còn được tính 40.000m2, giá bồi thường 11,1 triệu đồng/m2, còn lại 720m2 được chuyển thành đất trồng cây lâu năm để áp giá đền bù 80.000 đồng/m2, trong khi phương án năm 2013 toàn bộ diện tích đất trên được áp giá đất ở để bồi thường. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến tiền bồi thường theo phương án năm 2013 gia đình ông Đoán được nhận trên 4,3 tỷ đồng, thì nay sau 10 năm dự án triển khai trở lại chỉ còn được nhận 1,04 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Minh Hải, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Chí Linh cho biết: Riêng trường hợp thuộc diện thu hồi giai đoạn 1 nhưng chưa đền bù do tiền ngân sách địa phương gặp khó khăn trong chi trả trước đó, nay dự án triển khai tiếp giai đoạn 2 chúng tôi sẽ xem xét lại cụ thể và có điều chỉnh phương án hỗ trợ, bồi thường cho dân. Tuy nhiên, chính quyền áp dụng khung giá bồi thường, hỗ trợ theo phê duyệt của tỉnh Hải Dương, còn nếu có sai sót thì có thể do khâu xác định nguồn gốc đất từ cơ sở đưa lên.

Qua đây có thể thấy, từ các quyết định thu hồi đất, phương án hỗ trợ, bồi thường của TP. Chí Linh đối với gia đình ông Đoán và một số hộ dân có nguồn gốc đất như trên đang có vấn đề?! Đó là nguyên nhân lý giải tại sao cũng một chủ đất mà hai phương án hỗ trợ, bồi thường lại “vênh nhau” số tiền lớn như vậy và tất nhiên thiệt thòi cuối cùng đều đổ lên đầu người dân yếu thế.

Gộp sổ để bồi thường

Ông Hoàng Văn Tiến cho biết: Gia đình tôi và em trai được bố đẻ cho đất và đã tách sổ riêng, tuy nhiên khi Nhà nước thu hồi lại gộp thừa đất và tính chung cho 2 anh em tôi (Hoàng Văn Tiến và Hoàng Văn Tuyển ) 600 m2 đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở để hỗ trợ giá 5.550.000đồng/m2. Nếu theo quy định thì chính quyền phải tách biệt và lên phương án, hỗ trợ riêng cho từng nhà.

377ec0d5-49c4-4711-9041-86a1c5b27ec0.jpg
Gia đình Hoàng Văn Tiến đã tách thửa thành 3 quyền sử dụng đất nhưng TP. Chí Linh gộp thành một phương án bồi thường để đền bù cho người dân

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này bà Hải cho biết: Tp. Chí Linh áp dụng gộp hộ để thu hồi đất là dựa vào Quyết định số 03/2020 của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, khi phóng viên quy chiếu vào Quyết định số 03/2020 ngày 14/1/2020 của tỉnh Hải Dương thì không có mục, khoản nào cho phép chính quyền địa phương gộp hộ để thu hồi đất và trong Luật Đất đai cũng không có quy định điều này.

Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: UBND xã chỉ kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất, còn áp giá đền bù cho người dân như thế nào là do Hội đồng giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Về vấn đề gộp quyền sử dụng đất thành 600m2 để bồi thường cho gia đình nhà ông Tiến, bà Hải phân trần: Như 3 bố con ông Tiến tách quyền sử dụng đất nhưng đều có nguồn gốc là 1 thửa đất từ trước năm 1993, sau đó tách thêm 2 thửa đất thành tổng 3 thửa đất. Bà Hải cũng thừa nhận, do tiến độ dự án cần gấp mặt bằng nên Thành phố làm gộp hộ, cũng mong người dân chia sẻ. Khi phóng viên hỏi liệu như vậy sẽ thiệt thòi cho người dân không? Bà Hải không nói gì thêm và hứa sẽ kiểm tra lại hồ sơ.

Quay lại vấn đề, phóng viên đặt câu hỏi: Thành phố đã xác minh đầy đủ nguồn gốc đất cho hơn 10 hộ dân xã Lê Lợi mà cụ thể hơn là hơn 10 hộ dân đứng đơn gửi tới Báo Tài nguyên và Môi trường? Bà Hải lúc này thừa nhận: Đó là trách nhiệm của UBND xã Lê Lợi và chúng tôi đã xác định nguồn gốc đất của hơn 10 hộ dân và tôi tin UBND xã Lê Lợi đã xác minh đầy đủ.

Trong quá trình làm việc, chúng tôi được người dân khẳng định: Chính quyền không hề tổ chức một cuộc họp dân mà có đầy đủ họ tham gia. Nhiều người dân thừa nhận: Họ gọi dân theo nhóm, họp theo kiểu “đánh du kích”, thiếu công khai, thiếu minh bạch khiến chúng tôi rất khó chịu. Gần đây, họ bắn tin mời qua Trưởng thôn nhưng cũng chỉ gọi một vài hộ đến họp, chúng tôi kiên quyết không tham dự.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, các hộ dân ở xã Lê Lợi, TP. Chí Linh kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương, UBND Tp. Chí Linh và các cơ quan liên quan cần xác minh rõ nguồn gốc đất trước năm 1980 và trước năm 1993 của họ, đồng thời đối chiếu các quy định hiện hành để làm lại phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân thỏa đáng.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án mở rộng đường Côn Sơn – Kiếp Bạc: Dân kêu cứu vì phương án bất nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO