Đông Giang (Quảng Nam): Bảo vệ môi trường là điểm tựa phát triển kinh tế
Huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có hơn 70% dân số là đồng bào Cơ Tu. Đến nay, kinh tế- xã hội của địa phương có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Có được kết quả này là nhờ chính quyền địa phương đã triển khai hiệu quả các giải pháp để giúp người dân thoát nghèo, đồng thời chú trọng phát triển các mô hình bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
PV Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang để hiểu rõ hơn về những giải pháp của địa phương.
PV: Thưa ông, là một huyện miền núi với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, Đảng uỷ, UBND, HĐND huyện Đông Giang đã định hướng thế nào để địa phương thực hiện giảm nghèo một cách hiệu quả?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Trong những năm qua, kinh tế của địa phương có nhiều khởi sắc với nhiều mô hình, như trồng keo, nuôi heo, nuôi bò, xây dựng HTX. Đến nay, huyện có 17 sản phẩm OCOP được đem đi triển lãm nhiều nơi như: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng. Các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được huyện khuyến khích xây dựng. Điển hình năm 2022, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang được đưa vào hoạt động thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các dự án về thuỷ điện trên địa bàn huyện được xây dựng hoàn thiện. Kinh tế phát triển góp phần nâng cao đời sống xã hội, công tác xóa nghèo hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 7,2%/năm, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo từ 52,88%/năm đến năm 2022 giảm còn 45,18%/năm và đến năm 2023 giảm còn 37,46% (chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra là giảm > 6%/năm).
Có được kết quả như vậy là nhờ địa phương chú trọng phát triển các mô hình kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Thời gian qua trên địa bàn huyện đã tổ chức, thực hiện các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn đến các cộng đồng thôn đạt hiệu quả như: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 75/2015/NĐ-CP; QĐ 886/2015/QĐ-TTg. Thực hiện các chương trình, chính sách phát triển sinh kế dưới tán rừng tự nhiên, như trồng mây, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng...Đến thời điểm hiện tại các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn đã mang lại hiệu quả, hiệu ứng rất tốt, người dân có nguồn thu nhập ổn định, đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định đời sống cho người dân địa phương.
Một số mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại xã A Ting, Sông Kôn, khai thác Mây bền vững tại xã Mà Cooih bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ... giúp người dân có thể sống được từ rừng. Ngoài ra, huyện đã tập trung quyết liệt có nhiều giải pháp huy động, lồng ghép các nguồn lực xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu, đối tượng.
PV: Có thể thấy việc bảo vệ môi trường hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của địa phương. Xin ông chia sẻ các hoạt động bảo vệ môi trường tại huyện Đông Giang đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Song song với công tác giảm nghèo, huyện Đông Giang cũng luôn chú trọng triển khai các giải pháp, mô hình bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường rừng gắn công tác giảm nghèo với nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đây là hướng đi hợp lý, trên tinh thần “thuận thiên” để vừa bảo vệ rừng, phát huy giá trị đa dạng sinh học vừa cải thiện sinh kế cho người dân.
Thực hiện mục tiêu trên, huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 156 của Chính phủ, cùng các chương trình bảo vệ rừng khác nhằm đảm bảo giúp người dân trồng rừng, tham gia giữ rừng hiệu quả. Địa phương vận động, hỗ trợ người dân thực hiện Chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 theo Quyết định 1558/QĐ-UBND ngày 09/6/2022. Địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ người dân chuyển trồng cây nguyên liệu sang cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh tiếp tục được huyện quan tâm triển khai. Các dự án liên kết chuỗi giá trị trồng cây dược liệu ba kích tím, trồng cây quế đang diễn ra thuận lợi, hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, vừa bảo vệ môi trường rừng.
Để bảo vệ môi trường rừng cũng như đời sống của người dân, địa phương đã thường xuyên duy trì thực hiện “Ngày chủ nhật xanh” gắn với việc thực hiện xây dựng NTM, “Thôn xanh sạch đẹp”, xây dựng vườn mẫu, gia đình kiểu mẫu trồng hoa, cây xanh, đóng góp quỹ thu gom rác thải, thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường xã ngày càng xanh, sạch, đẹp. Vận động người dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn; thu gom và xử lý đúng quy trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đến nay, Đông Giang có 2 xã đạt chuẩn NTM là xã Ba và xã Tư. Các xã xây dựng NTM toàn huyện đạt bình quân là 12,3 tiêu chí (theo bộ tiêu chí mới), tăng 2,28 tiêu chí so với năm 2022.
PV: Từ những thành quả bước đầu đó, thời gian tới huyện Đông Giang sẽ tiếp tục triển những giải pháp cụ thể gì giảm nghèo bền vững, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Huyện có rất nhiều mục tiêu, kế hoạch xây dựng, phát triển trong thời gian tới. Do vậy, chúng tôi cũng đang tích cực triển khai thực hiện các mô hình kinh tế vừa về bảo vệ môi trường, vừa hỗ trợ cho người dân nghèo. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng đang đạt hiệu quả cao như: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh, Đông Giang còn hỗ trợ cấp cây giống trồng rừng có giá trị kinh tế, trồng cây phân tán cho các hộ gia đình theo Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình, chính sách phát triển sinh kế như hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam; phát triển vùng đệm, lưu vực thủy điện đạt hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!