Xã hội

Quảng Nam: Cây ớt vùng cao cho “trái ngọt”

Lan Anh 25/09/2024 - 17:12

(TN&MT) - Nhiều năm qua, cây ớt A Riêu là cây trồng chủ đạo trong nông nghiệp ở huyện Đông Giang (Quảng Nam), góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học.

“Qùa tặng” của rừng xanh

Người Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) ví cây ớt A Riêu là “quà tặng” của rừng xanh, bởi loại trái cây nhỏ bằng đầu đũa này chẳng biết có tự bao giờ. Họ chỉ nghe những người già trong làng kể lại rằng, năm đó, có một loài chim mang tên A Riêu (chim chào mào) thả xuống núi rừng này những loại quả nhỏ, rồi từ đó mọc lên loại ớt độc đáo này. Từ đó, người Cơ Tu gọi đó là ớt A Riêu.

ot1.jpg
Đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang thu hoạch ớt A Riêu

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt đã tạo ra sự khác biệt của giống ớt với kích thước khá nhỏ, có vị cay, thơm nồng vừa phải rất đặc trưng riêng. Từ lâu, ớt A Riêu là một trong những loại gia vị quan trọng trong các món ăn và trở thành một phần văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn. Do ớt A Riêu là sản phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, là đặc sản nổi tiếng của huyện miền núi Đông Giang, nên được người dân ưa chuộng, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Vào những ngày cuối tháng 8, tháng 9 hàng năm, người Cơ Tu ở Mà Cooih lại bắt đầu bận rộn để thu hái ớt A Riêu mọc hoang tự nhiên trên rừng và nương rẫy.

Bà A Rất Thị Ý, ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang cho biết, nhà bà trồng hơn 3.000 cây ớt A Riêu. So với cây ngô, ớt cho thu nhập gấp nhiều lần vì không phải tốn công đầu tư. Nhờ tham gia vào Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih, bà được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc ớt cho năng suất cao và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Từ hộ khó khăn, nay gia đình bà A Rất Thị Ý đã thoát nghèo.

ot2.jpg
Ớt A Riêu có hương vị đặc trưng, độ cay nồng vừa phải nên được ưa chuộng

“Ớt A Riêu có hương vị đặc trưng, độ cay nồng vừa phải nên được ưa chuộng. Gia đình mong muốn được chính quyền hỗ trợ ổn định đầu ra để mở rộng diện tích trồng ớt”- bà Bà A Rất Thị Ý chia sẻ.

Theo UBND huyện Đông Giang, giá bán ớt A Riêu tươi thường bán từ 250.000-300.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Mà Cooih có thu nhập hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ớt A Riêu. Năm 2019, sản phẩm ớt A Riêu muối đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và năm 2022 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến lựa chọn sử dụng.

“Ớt A Riêu được công nhận là nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên và gắn nhãn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện ớt A Riêu đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận thương hiệu độc quyền.

Từ khi chuyển sang trồng ớt A Riêu, các gia đình có thêm thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi năm/sào, góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Đinh Văn Bảo - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay.

Nâng cao giá trị cho cây ớt

Nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt A Riêu, những năm qua, huyện Đông Giang đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu tại xã Mà Cooih theo quy hoạch giai đoạn 2022 – 2025 với diện tích trên địa bàn huyện đạt 50 ha. Đến nay, ớt A Riêu đã nhân giống được 12 ha với khoảng 100 hộ dân tham gia, với sản lượng ước tính trên địa bàn đạt 10,5 tấn/năm.

ot3.jpg
Đặc sản ớt A Riêu muối của người dân xã Mà Cooih.

Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Đông Giang đã ban hành Quyết định số 741 về phát triển cây ớt theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Mà Cooih nhằm phát triển cây ớt A Riêu đồng bộ, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc địa phương thoát nghèo bền vững. Do đó, diện tích cây ớt A Riêu không ngừng được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Cơ sở sản xuất rượu và nông lâm sản Thu Thảo (Thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đến nay cơ sở đã chế biến hơn 10 sản phẩm từ ớt A Riêu, và đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực vì hương vị ớt này rất đặc trưng, thơm và cay nồng. Các sản phẩm ớt A Riêu có thể kể đến như ớt A Riêu muối, tương ớt A Riêu, muối ớt A Riêu, ớt bột A Riêu… và đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước như: Huế, Quảng Trị, TP.HCM, Hà Nội… và xa hơn là xuất khẩu đi các nước.

ot4-2-.jpg
Ớt A Riêu là một trong những loại cây trồng chủ lực được UBND huyện ưu tiên phát triển.

Ông Đinh Văn Bảo - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Huyện Đông Giang giai đoạn 2021 – 2025, ớt A Riêu là một trong những loại cây trồng chủ lực được UBND huyện ưu tiên phát triển. Để phát huy giá trị của ớt A Riêu, huyện Đông Giang chú trọng khâu chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ ớt A Riêu, làm tăng giá trị gia tăng; cùng với đó, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá ớt A Riêu đến với người tiêu dùng.

“Trong thời gian tới UBND huyện tập trung nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con nhân dân xã Mà Cooih, một số khu vực của xã Za Hung, xã Kà Dăng (giáp với xã Mà Cooih) phát triển mở rộng nâng tổng diện tích đạt 50 ha nhằm tạo sản phẩm hàng hóa nhằm duy trì thương hiệu Ớt A Riêu, tạo thu nhập bền vững cho người nông dân tại xã Mà Cooih và các xã lân cận”, ông Đinh Văn Bảo chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Cây ớt vùng cao cho “trái ngọt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO