Xã hội

Đổi thay trên vùng cao Đông Giang

Anh Dũng 05/09/2024 - 22:37

Đông Giang là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, có khoảng 73,44% dân số là đồng bào Cơ Tu; tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2024 giảm còn 30,79 %; chất lượng sống của nhân dân ngày một tốt hơn trước. Có được kết quả trên là do nhiều chính sách giảm nghèo bền vững đã được chính quyền huyện Đông Giang triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

h1.jpg
Huyện Đông Giang phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân

Hiệu quả từ các chương trình, chính sách giảm nghèo

Thời gian qua, huyện Đông Giang triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đặc biệt sử dụng nguồn vốn đầu tư vào triển khai xây dựng hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo, các công trình dân sinh trọng yếu; đối với nguồn sự nghiệp tập trung thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trợ cấp gạo cho người dân; thực hiện các chuổi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cho người dân… Tổng kinh phí đã giao giai đoạn 2022-2024 trên 285.000 triệu đồng.

Chính sách vay vốn cho người đồng bào DTTS thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước cải thiện thu nhập gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Tổng nguồn vốn thực hiện các chính sách vay vốn cho đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2024 là 101.710 triệu đồng với 4.290 lượt hộ vay.

Huyện cũng đã chỉ đạo tập trung thực hiện chăm sóc rừng trồng 7 ha chương trình 1 tỷ cây xanh (chăm sóc năm 1/2023), chăm sóc rừng trồng 37,71 ha (năm 2/2023) và trồng rừng theo các chương trình mục tiêu Quốc gia ước thực hiện đến cuối năm 2024 đạt 1.600 ha. Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2019-2024 là 6.346 triệu đồng ( trong đó người dân tham gia 1.110 triệu đồng và đóng góp ngày công lao động) để triển khai thực hiện hỗ trợ trồng 70ha cây Ba kích tím; 72,9ha cây Sa nhân; 10,8 ha chè dây Razeh; 3 ha cây Bảy lá một hoa và 1,5 ha cây Thổ phục linh cho 401 hộ tại các xã, thị trấn, các loại cây dược liệu trồng mới tỷ lệ sống tương đối cao (trên 80%), sinh trưởng và phát triển khá.

h2.jpg
Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã được đưa vào khai thác thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương

Bên cạnh đó, huyện Đông Giang xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn thường xuyên quan tâm thực hiện, bước đầu đem lại kết quả thiết thực: Giai đoạn 2019-2024, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của nhà đầu tư và sự vào cuộc quyết liệt của huyện dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang của Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp đã đưa vào khai thác thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng; ngoài ra, luôn chủ động, mời gọi doanh nghiệp vào khảo sát, đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Song song đó, UBND huyện đã tập trung kêu gọi xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Triển khai 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo triển khai có kết quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2019-2024 là 3.000 triệu đồng. Đến nay có 2 sản phẩm 4 sao và 22 sản phẩm 3 sao.

Ngoài ra, UBND huyện đang triển khai Dự án Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Đông Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Trong đó định hướng lại phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện, dần thay thế cây keo theo Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy nhằm vừa phát triển kinh tế vừa gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đang triển khai các dự án liên kết trồng Quế; nuôi heo đen, heo cỏ địa phương, Hươu sao theo chuỗi giá trị sản xuất thuộc nguồn vốn các chương trình MTQG với tổng kinh phí trên 52 tỷ đồng (Chương trình phát triển KTXH miền núi và vùng đồng bào DTTS là 40 tỷ đồng, chương trình giảm nghèo bền vững 12 tỷ đồng)…

Kết quả đạt được chương trình giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2019-2024, huyện Đông Giang đã thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để thực hiện công tác giảm nghèo, tăng cường bố trí ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí đã huy động để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đạt trên 226.557 triệu đồng để triển khai 7 dự án thành phần và đạt kết quả khá tốt. Trong đó: Xây dựng cơ sở hạ tầng 17 công trình; tham gia 3 chuổi liên kết gồm Heo đen địa phương, Hươu sao, trồng quế; đào tạo nghề 70 học viên, xuất khẩu lao động 46 người và hỗ trợ 306 nhà ở cho nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

h3.jpg
Từ mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá, nhờ đó tỷ lệ nghèo ở địa phương ngày càng giảm đi rõ rệt (ảnh HTX chè dây xã Tư)

Điển hình vươn lên từ gian khó, thoát nghèo là hộ bà Zơ Râm Thị Nho, ở thôn Pho, xã Sông Kôn. Trước đây, thu nhập của gia đình bà Nho phụ thuộc 2 ha trồng keo nguyên liệu, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Qua tuyên truyền và hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà Nho vay vốn chính sách được 60 triệu đồng, đầu tư chuồng trại để nuôi heo, bò sinh sản, mua máy mở cơ sở xay xát…. Nhờ thu nhập bằng nhiều nguồn, gia đình bà Nho có điều kiện lo cho con cái, làm nhà mới, mở quầy tạp hóa tăng thêm nguồn thu.

Ông Lê Duy Tường- Giám đốc Hợp tác xã chè dây xã Tư cho biết, diện tích trồng chè ở Đông Giang hiện nay khoảng 35ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 30 tấn chè dây, đem lại lợi nhuận kinh tế hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá, trung bình khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Trong đó, tiểu biểu như nhóm hộ bà Đậu Thị Tuyên, ông Nguyễn Minh Quang (xã Ba); nhóm hộ ông Lâm Văn Thông và ông Phạm Quốc Phong (xã Tư)…, nhờ đó tỷ lệ nghèo ở địa phương ngày càng giảm đi rõ rệt.

Theo ông A Vô Tô Phương- Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, kết quả đạt được chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2024 (ước thực hiện năm 2024) tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 52,88% (3.905 hộ nghèo) năm 2021 xuống còn 30,79% (2.365 hộ nghèo) năm 2024, bình quân mỗi năm giảm 7,71% (tương ứng giảm 1.027 hộ nghèo), vượt chỉ tiêu Đại hội các DTTS huyện Đông Giang lần thứ III đề ra (bình quân 2%/năm). Theo kết quả rà soát hộ nghèo từ năm 2021-2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cụ thể như sau: Năm 2021: Hộ nghèo 3.905 hộ, tỷ lệ 52,88%; Năm 2022: Hộ nghèo 3.394 hộ, tỷ lệ 45,18%; Năm 2023: Hộ nghèo 2.878 hộ, tỷ lệ 37,46%; Dự kiến năm 2024: Hộ nghèo 2.365 hộ, tỷ lệ 30,79%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên vùng cao Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO