Dưới chân núi xứ Panan (xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu, bao đời nay lam lũ nghèo khó. Người dân ở đây vẫn luôn mơ ước sẽ có ngày những ngôi nhà vững trãi bề thế cất lên nhờ núi, sống trên núi và giàu có lên từ núi. Giờ đây, ước mơ ấy đang dần trở thành hiện thực với đồng bào Cơ Tu nơi này nhờ một loài cây thảo dược vùng cao có tên gọi là chè dây Ra Zéh.
Độc đáo thảo dược vùng cao
Ra Zéh vốn mọc tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh ở huyện miền núi Đông Giang. Cây chè dây Ra Zéh có ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng ở vùng xã Tư (Đông Giang, Quảng Nam) của người Cơ Tu lại ngon lạ lùng, với nhiều công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.
Về xã Tư, hỏi chè dây Ra Zéh, ai cũng chỉ đến ông Phạm Quốc Phòng bởi chính ông là người tiên phong trong việc di thực, trồng và chăm sóc thành công chè dây tự nhiên trước khi sản phẩm này trở thành thương hiệu độc đáo như bây giờ. Bà con ở đây gọi ông Phòng bằng cái tên rất thân thương và cũng rất đặc trưng của núi rừng là “vua thảo dược xứ Panan”.
Tìm đến nhà “vua thảo dược” không khó bởi ở nơi núi rừng dễ gì có ngôi nhà vững chãi, bề thế lại có hẳn chiếc xe ô tô đời mới bên trong khuôn viên như gia đình ông Phòng. Đang cho từng gói chè dây đã in nhãn hiệu “chè dây Ra Zéh” vào những bao tải lớn để chuẩn bị giao cho các đại lý, ông Phòng tự hào khoe: “Chè dây Ra Zéh” là sản phẩm đặc trưng của Đông Giang, được lãnh đạo huyện chọn làm quà tặng của địa phương cho nhiều đoàn khách gần xa”.
Dẫn tôi lên đồi chè ngay trước nhà để tìm hiểu, ông Phòng kể, trước đây, cây chè dây thường mọc xen kẽ dưới tán rừng. Nhưng chỉ người bản địa Cơ Tu trong vùng mới biết được công hiệu của loại chè dây Ra Zéh này. Mỗi lần lên núi về, thế nào cũng phải gùi theo mấy bó chè dây Ra Zéh to bự để về cả nhà uống. Đau bụng, đau dạ dày, mất ngủ, phụ nữ mới sinh dậy... đều uống chè dây Ra Zéh. Phụ nữ trong vùng đỏ da thắm thịt là nhờ đều uống chè dây Ra Zéh như một loại nước dùng thường ngày.
Ông Phòng cũng như bà con người Cơ Tu thường vào rừng hái và mang về sử dụng làm nước uống hàng ngày. Rồi bỗng một ngày ông Phòng có suy nghĩ, phải để nhiều người được thưởng thức sản phẩm độc đáo từ rừng tự nhiên. Thế là vào năm 2016, ở độ tuổi 50 ông bắt đầu “khởi nghiệp” với việc xuất xưởng hơn 10 tấn chè dây razéh ra thị trường trước sự ngạc nhiên của các cư dân vùng núi Panan.
“Chè dây Ra Zéh nhiều nơi khác cũng có nhưng chỉ riêng xứ Panan này mới đặc biêt, ngon, bổ lạ lùng. Loại chè này có thể pha ra để 5 ngày cũng không bị ôi thiu, uống vào có vị đắng nhưng một lúc lại thấy ngọt dịu dễ chịu nơi đầu lưỡi. Chè dây Ra Zéh có thể thu hoạch sau 7, 8 tháng, với năng suất bình quân gần 8 tấn/ha/năm, thu về khoảng 180 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với trồng mây, keo và các loại cây nông sản khác.”, ông Phòng chia sẻ.
Sau bao năm miệt mài, từ hộ khó khăn, ông Phòng trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân khác trong vùng vươn lên thoát nghèo. Kể từ khi mở rộng diện tích chè dây, gia đình ông Phòng duy trì hỗ trợ giống, liên kết với 3 - 4 hộ dân trong thôn hình thành nhóm hộ cùng phát triển trồng cây dược liệu, cho thu nhập khá ổn định.
Ông Phòng nói với tôi, chỉ riêng với 2ha đất trồng chè dây, năng suất thu hoạch mỗi năm 15 - 20 tấn, với doanh thu bình quân 180-200 triệu đồng. Cuộc sống cứ thế khấm khá dần, con cái được học hành đầy đủ, rồi ông còn dựng được cơ ngơi khang trang tậu thêm được cả xe ô tô để đi lại giao dịch được thuận lợi hơn. Tất cả là nhờ loài cây thảo dược vùng cao này!
Cùng nhau thoát nghèo
Xem chè dây là cây “đổi đời”, ông Phòng đã vận động bà con trong làng thay đổi tư duy canh tác, mở hướng phát triển vườn cây dược liệu dưới tán rừng. Chính quyền xã Tư cũng ủng hộ ông Phòng và thống nhất chủ trương chuyển đổi mô hình từ trồng keo sang trồng chè dây Ra Zéh vừa phù hợp cho người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, vừa xây đắp nên thương hiệu của xứ Panan.
Và người dân của các thôn ở xã Tư thay vì vào rừng săn tìm Ra Zéh, thì bắt đầu khoanh vùng trồng chè dây vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình vừa để bán. Không ít hộ dân ở xã Tư thoát nghèo nhanh chóng nhờ loại chè dây này. Nhiều hộ dân như Phạm Quốc Phòng, Lâm Văn Thông… còn kết hợp trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu với mở rộng không gian tham quan trải nghiệm cho du khách.
“Ước nguyện của tôi là tạo ra một loại thương phẩm mang thương hiệu của xứ Panan, quảng bá quê hương đến mọi người và quan trọng hơn là để bà còn xã nhà nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của các loại thảo dược này. Tôi chia sẻ tất tần tật những gì mình biết giúp bà con từ cách trồng, chăm sóc các loại chè dây razéh, hoa hồng cổ, cho đến việc thu hoạch, tạo ra thương phẩm độc đáo của núi rừng ra thị trường”, ông Phòng bộc bạch.
Ngày cuối tháng 6, xã Tư, huyện Đông Giang nắng nóng như đổ lửa nhưng các vườn chè dây vẫn xanh mơn mởn. Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Tư cho biết, hiện địa phương có trên 20ha trồng chè dây Ra Zéh và cây hoa hồng cổ. Chính quyền xã cũng xem thảo dược là mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn giúp người dân thoát nghèo nên đã quy hoạch nhiều diện tích trồng dược liệu đồng thời phục vụ tham quan, học tập kinh nghiệm giữa cộng đồng. Địa phương cũng thành lập hợp tác xã nông nghiệp chuyên chế biến chè dây thành các sản phẩm trà, dược liệu. Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu chè dây Ra Zéh trên thị trường và trở thành sản phẩm độc quyền của xã Tư với nhiều lợi ích kinh tế.
“Thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng một số khu vực trồng chè dây, hoa hồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhu cầu thiết yếu đảm bảo mục tiêu “kép” vừa giúp người dân “sống được với nghề”, vừa có cơ hội phát triển du lịch sinh thái, phục vụ du khách. Đồng thời kết nối mở rộng, khai thác chuỗi giá trị dược liệu dưới tán rừng một cách hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân giữ rừng.”, ông Phúc nói.
Nhờ cây chè dây Ra Zéh, ông Phòng và nhiều hộ dân khác tại xã Tư thoát nghèo, làm giàu từ chính sản vật tự nhiên ở xứ Panan này. Họ vẫn tiếp tục mở rộng diện tích vườn trồng, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ dân khó khăn trên địa bàn cùng vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là cách mà những cư dân xứ Panan muốn trả ơn vùng đất đã ban tặng cho họ những loại thảo dược quý, giúp mở ra cơ hội đổi đời.
Năm 2018, sản phẩm chè dây Razéh của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Tư được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Đến năm 2020, HTX cho ra đời sản phẩm “Chè dây Ra Zéh túi lọc” được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm chè dây Ra Zéh được nâng hạng đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh. Hiện năng lực chế biến của HTX là 1,5 tạ/ngày. HTX cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.