Nay tôi có vấn đề như sau:
- Năm 2013, tôi có cho nhà hàng xóm 200m2 đất để làm đường đi và sân.
- Tháng 6/2016 tôi làm hồ sơ sang tên sổ đỏ, địa chính xã yêu cầu đợi người chuyển nhượng qua đời mới làm được thủ tục sang tên sổ đỏ.
- Năm 2017 nhà hàng xóm làm lại đường đi lấn qua khỏi số đất đã cho và bảo tôi giành đất nhà họ.
- Tháng 8/2017 sau khi người chuyển nhượng qua đời tôi có làm hồ sơ sang tên sổ đỏ. Nhưng địa chính xã lại làm hồ sơ yêu cầu đo đạc lại đất và chuyển lên địa chính huyện. Khi địa chính huyện vào đo đạc lại đất. Nhà hàng xóm không cho đo và bảo đất đó của họ (Lý do nhà hàng xóm đưa ra: họ đã định cư ở đó trước). Chính vì vậy hai bên không thống nhất được nên không sang tên sổ đỏ được.
Tôi muốn hỏi: Điều luật nào quy định phải đợi người chuyển nhượng qua đời mới chuyển được quyền sở hữu; Tôi có kiện được nhà hàng xóm để đòi lại đất và sang tên sổ đỏ được không khi sổ đỏ không thể hiện bản vẽ và cán bộ địa chính xã bảo không có hồ sơ trích lục bản đồ; Tôi cần làm những hồ sơ gì để sang tên sổ đỏ mình đã mua?
Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, xin khẳng định với bạn rằng: Hiện, pháp luật không có quy định nào quy định phải đợi người chuyển nhượng qua đời mới chuyển được quyền sở hữu.
Thứ hai, vấn đề kiện đòi đất của hàng xóm
Việc gia đình bạn có đòi được đất đã tặng cho hàng xóm hay không phụ thuộc vào một số yếu tố sau: Đầu tiên, việc tặng cho giữa hai gia đình có được lập thành văn bản hay không. Nếu đã lập văn bản thì trong có sẽ có đủ chứng cứ xác nhận về nội dung tặng cho và diện tích đất tặng cho. Đây sẽ là căn cứ đầu tiên để gia đình bạn chứng minh việc nhà hàng xóm đang lấn quá phần đất gia đình bạn đã cho. Nếu việc tặng cho chỉ bằng miệng, không có văn bản thì bây giờ gia đình bạn cần chứng minh được nguồn gốc đất, có nghĩa là chứng minh được phần đất hàng xóm đang sử dụng là của gia đình mình. Khi đó mới có đủ căn cứ để đòi lại đất.
Vì mảnh đất đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên trên đó sẽ có đủ các thông số như: số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất, loại đất. Trong đó, số thứ tự thửa đất là số tự nhiên dùng để thể hiện số thứ tự của thửa đất trên mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính và được xác định là duy nhất đối với mỗi thửa đất trong phạm vi một mảnh bản đồ địa chính và mảnh trích đo địa chính đó.
Việc cán bộ địa chính xã bảo không có hồ sơ trích lục bản đồ là không đúng với các quy định của pháp luật. Theo quy định của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT, để trích sao hồ sơ địa chính, trích đo địa chính, trích lục bản đồ địa chính người dân cần nộp hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất UBND quận, huyện.
Thứ 3, hồ sơ sang tên sổ đỏ
Căn cứ pháp lý theo Luật Đất đai năm 2013; Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Thông tư số 24/2013/TT-BTNM, hồ sơ sang tên sổ đỏ gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (theo mẫu); có xác nhận của UBND xã về nguồn gốc và tình trạng sử dụng của đất;
- Bản photocopy sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân;
- Bản sao chứng thực giấy tờ về quyền sử dụng đất (nếu có);
- Bản sao chứng thực giấy tờ về tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Quy định này (nếu có tài sản và có yêu cầu chứng nhận quyền sở hữu);
- Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ quy định tại điểm d khoản này đã có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng);
- Văn bản ủy quyền nộp hồ sơ hoặc nhận Giấy chứng nhận (nếu có);
- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có);
- Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (theo mẫu);
- Đơn đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất, ghi nợ lệ phí trước bạ (đối với trường hợp chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ).