Thích nghi cùng dịch
Theo các chuyên gia BĐS, hai đợt dịch Covid-19 đầu tiên xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch, dự định của các doanh nghiệp BĐS. Đến đợt dịch lần thứ tư này, thị trường gần như ngưng trệ hẳn. Đây như một “rào chắn” buộc tất cả hoạt động phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Nó là cú đánh trực diện vào thị trường BĐS không có cách nào né tránh được. Công ty nào nhanh chân, giữa hai đợt dịch còn tranh thủ bán hàng vớt vác vốn, còn không thì đành bó tay sống chung với dịch bệnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều kịch bản có khả năng sẽ xảy ra vào những tháng còn lại của năm 2021. Trong đó, kịch bản tích cực là thị trường BĐS sẽ hồi phục một phần vào giữa quý 3 và khởi sắc trở lại trong quý 4/2021 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vắc-xin, còn các công ty BĐS có 100% nhân viên được tiêm vắc-xin. Thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2021 có khả năng tăng trưởng ít nhất 25 - 30% so với 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ lý tưởng này kỳ vọng đạt được với điều kiện các doanh nghiệp BĐS tăng tốc tối đa để bù lại 6 tháng đầu năm.
Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý 3/2021 để dập dịch Covid-19, vắc-xin không đủ để tiêm cho người dân và chỉ đạt mức dưới 30%. Các công ty BĐS vì vậy có chưa đến 50% nhân viên được tiêm. Thị trường BĐS 6 tháng cuối năm khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp dần bị đuối sức. Việc duy trì bộ máy hoạt động là gánh nặng cho họ. Các kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ, doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường BĐS chung sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với 6 tháng đầu năm, nếu không nhận được các sự trợ lực cần thiết và kịp thời.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong cả hai kịch bản nêu trên thì vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường BĐS. Đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý cho dự án... Sự trợ lực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng hơn.
Thị trường BĐS có thể sẽ phục hồi vào những tháng cuối năm 2021 ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt (Ảnh minh họa) |
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Tổng giám đốc một Công ty BĐS nhận định, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành BĐS bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như trong các đợt giãn cách xã hội trước, việc giao dịch nhà, đất ở các dự án vẫn tương đối ổn định thì năm nay, thị trường BĐS chững lại rõ rệt, bởi tâm lý đề phòng và tích trữ tài chính đối phó dịch của người dân; giãn cách xã hội khiến việc đầu tư không hiệu quả, giao dịch chậm do tính thanh khoản không cao. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải học cách tự thích nghi, sẵn sàng ứng phó với tình huống đại dịch kéo dài hoặc tái bùng phát lại bất cứ lúc nào.
Ông Trần Nguyên Đán - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dù các doanh nghiệp BĐS đã có nhiều cố gắng nỗ lực, nhưng thực tế các hoạt động giao dịch đều chậm lại, thị trường BĐS cũng trầm lắng hơn. Ở Việt Nam, lĩnh vực BĐS có sức ảnh hưởng khá lớn đến nhiều ngành nghề khác, như: sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm. BĐS không phải là mặt hàng thiết yếu, nhưng nó cần được hỗ trợ để hồi sinh, từ đó kéo nhiều ngành nghề khác hồi phục theo.
“Dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần có chính sách để lĩnh vực BĐS phát triển lành mạnh, đóng góp vào tăng trưởng, không làm xáo trộn kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính và đó là một bài toán không hề đơn giản. Hiện có rất nhiều nhân tố đang ảnh hưởng đến thị trường BĐS như lệch pha cung cầu, hạ tầng, sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp lý để tháo gỡ các ách tắc cho các dự án BĐS, đồng thời có các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn về tiền tệ” - ông Trần Nguyên Đán phân tích thêm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, HoREA và các doanh nghiệp BĐS mong muốn được Nhà nước hỗ trợ cơ chế tháo gỡ các khó khăn để vượt qua đại dịch Covid-19. Đồng thời, cũng mong muốn Nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở tại TP.HCM và quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập và sớm tháo gỡ việc công nhận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại là chủ đầu tư nếu họ đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.