Tin tức

Thanh Hóa: Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và bãi rác thải

Thanh Tâm 13/12/2024 - 22:16

(TN&MT) - Chiều ngày 13/12 tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Giám đốc Sở TN&MT đã trả lời chất vấn của các đại biểu về tình trạng ô nhiễm ở các trang trại, quá tải bãi rác và chậm tiến độ ở các dự án xử lý chất thải rắn. Ông Lê Sỹ Nghiêm đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh và tiến tới xử lý các vấn đề ô nhiễm còn tồn đọng.

Theo báo cáo của Sở TN&MT cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 671 cơ sở (595 cơ sở sản xuất, 76 trang trại) thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp bộ, tỉnh. Trong đó, đó có khoảng 152 cơ sở thuộc nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, chiếm 22,7%; nhóm không thuộc loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng thường phát sinh nhiều bụi trong quá trình hoạt động là 318 cơ sở, chiếm 47,4%...

Thời gian qua, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương như: Các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực thị xã Nghi sơn, huyện Hậu Lộc phát sinh mùi hôi, khó chịu; một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn và nhỏ trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa... gây mùi và xả nước thải chưa đạt yêu cầu ra môi trường...

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở TN&MT

Trước thực trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung như: tình trạng quá tải ở các bãi rác, ô nhiễm ở các trang trại lợn và cơ sở sản xuất giấy, vàng mã ở đầu nguồn, việc chậm tiến độ ở các dự án xử lý rác thải. Các đại biểu đề nghị tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Trả lời về công tác thanh kiểm tra, xử lý về vi phạm pháp luật về môi trường, ông Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (Chi cục Bảo vệ Môi trường) xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường từ 50-60 cơ sở. Riêng trong năm 2024, Thanh tra Sở có lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra 48 cơ sở sản xuất, trang trại, nâng tổng số cơ sở được kiểm tra là 102/671 cơ sở (chiếm 15,2%). Đồng thời, năm 2024, Sở đã tiếp nhận 46 kiến nghị, phản ánh của người dân, cơ quan báo chí về môi trường. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý, kiến nghị xử lý vi phạm về môi trường 09 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 1,2 tỷ đồng, dừng hoạt động 01 cơ sở chăn nuôi.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra 86 cơ sở (54 cơ sở kiểm tra theo kế hoạch, 32 cơ sở theo kiến nghị phản ánh); đã xử lý vi phạm hành chính về môi trường 07 cơ sở, với tổng số tiền 627,3 triệu đồng.

Về giải pháp, ông Lê Sỹ Nghiêm cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ xây dựng kế hoạch tăng số lượng kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, trang trại đặc biệt là đối với các cơ sở còn nhiều tồn tại ở đợt kiểm tra trước, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các cơ sở trên địa bàn để phòng ngừa phát hiện sớm, giải quyết kịp thời các vi phạm, không để vi phạm kéo dài.

dai-bieu.jpg
Đại biểu đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở TN&MT

Trước câu hỏi về dự án nhà máy xử lý rác thải Đông Nam đã triển khai 8 năm vẫn chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân từ chủ đầu tư, nguyên nhân từ các cơ quan quản lý trong thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án?

Ông Lê Sỹ Nghiêm trả lời:

Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ thủ tục pháp lý (về đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, cấp Giấp phép môi trường, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500); hoàn thành đầu tư các công trình xây dựng (văn phòng, nhà tiếp nhận- phân loại rác, nhà ủ rác, nhà đặt lò đốt, trạm xử lý nước thải, công trình hạ tầng khác), lắp đặt thiết bị công nghệ, vận hành thử nghiệm dây chuyền công nghệ (dây chuyền phân loại, chế biến mùn hữu cơ, lò đốt rác thải). Công ty đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị nghiệm thu gửi Bộ Xây dựng chấp thuận công tác nghiệm thu. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 02/2025.

Giám đốc Sở TN&MT đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Ecotech khẩn trương đấu mối với Bộ Xây dựng để được chấp thuận công tác nghiệm thu, đảm bảo các điều kiện đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Sở TN&MT cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về định mức kinh tế- kỹ thuật và quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt. Trong thời gian đó, yêu cầu Công ty đưa nhà máy đi vào hoạt động và cho phép nhà máy được thanh toán giá theo Quyết định 21/2019/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa sớm làm việc, thống nhất với nhà đầu tư phương án đặt hàng, giao nhiệm vụ và ký hợp đồng với nhà đầu tư để thực hiện công tác xử lý.

tnmt.jpg
Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm trả lời phiên chất vấn

Đại biểu đặt câu hỏi: Việc chấp thuận cho các cơ sở sản xuất giấy, vàng mã nằm sát bờ sông Mã: Giải pháp, có dừng hoạt động các cơ sở hay không?

Giám đốc Sở TN&MT trả lời:

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 13 cơ sở sản xuất giấy đang hoạt động nằm sát sông Mã gồm 4 cơ sở thuộc huyện Bá Thước, 9 cơ sở thuộc huyện Quan Hóa.

Năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường đối với 18 cơ sở sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn các huyện (Quan Sơn 02 cơ sở, Quan Hóa 09 cơ sở, Bá Thước 04 cơ sở, Lang Chánh 02 cơ sở, TP Thanh Hóa 01 cơ sở).

Quá trình thanh tra tại các cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất bột giấy, giấy vàng mã trên địa bàn các huyện cho thấy, các cơ sở đều có các hành vi vi phạm quy định về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường ở các mức độ khác nhau.

Cuối năm 2022 đến năm 2023, các cơ sở đã thực hiện khắc phục các tồn tại xây dựng, đất đai và môi trường, xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải và đến nay các cơ sở này đã được cấp phép môi trường và hoạt động ổn định.

Quá trình cấp phép môi trường, các cơ sở này đều cam kết xử lý nước thải, sử dụng quay vòng cho sản xuất, không xả nước thải ra môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ sở phải lắp đặt camera tại hệ thống xử lý nước thải truyền dữ liệu về huyện xã để giám sát, lắp đặt công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải để quản lý việc xả thải.

Theo quy định của pháp luật, hiện nay các cơ sở hoạt động ổn định, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, xã, Công an tỉnh đều không phát hiện vi phạm về môi trường, không có cơ sở để dừng hoạt động đối với các cơ sở này.

Kết luận phiên chất vấn của Giám đốc Sở TN&MT, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cho rằng: Phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phần nào cho thấy được thực trạng ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi và ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, cũng như việc chậm tiến độ của các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đang đầu tư.

Đối với vấn đề về giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi gây ra, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong quá trình điều hành, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm các quy hoạch đã ban hành, bao gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện... để làm cơ sở để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của các sự cố về môi trường do bố trí cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi không theo quy hoạch.

Phải tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư và triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung cả của tỉnh và của huyện để bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ đó có điều kiện giảm thiểu và khắc phục gây ô nhiễm sản xuất. Đồng thời, cần nghiên cứu, cân nhắc theo hướng chỉ chấp thuận đầu tư các dự án chăn nuôi nếu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và gắn với chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất chăn nuôi theo quy định và kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm, không đáp ứng được yêu cầu về môi trường.

Về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do quá tải tại các bãi rác và vấn đề về đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải chậm tiến độ hiện nay, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo để áp dụng các biện pháp xử lý bằng công nghệ tiên tiến tại các bãi rác để giảm thiểu ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con Nhân dân.

Chính quyền các cấp, nhất là TP Thanh Hóa và các huyện, thị xã phải tập trung tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó vận động Nhân dân tham gia vào việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với tinh thần tự giác cao. Đồng thời đề nghị các đơn vị thu gom rác đảm bảo các điều kiện để thu gom rác theo phân loại.

UBND tỉnh nên sớm chỉ đạo triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải rắn tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân theo quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và bãi rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO