Môi trường

Điều tra chi tiết về hiện trạng chất thải nhựa

Vy Huyền (thực hiện) 18/04/2023 - 13:15

(TN&MT) - Bộ TN&MT đang xây dựng Báo cáo Hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 nhằm phân tích toàn cảnh về tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Tài Tuệ - Phó trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo, nhằm làm rõ các nội dung này.

PV: Xin ông cho biết một số vấn đề nổi bật trong hiện trạng chất thải nhựa (CTN) tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Tài Tuệ: Báo cáo “Hiện trạng chất thải nhựa năm 2022” đánh giá tổng thể khối lượng CTN phát sinh từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), khối lượng CTN được thu gom, tái chế và xử lý. Từ đó, nhóm chuyên gia đã phân tích các tác động của CTN đến môi trường, hệ sinh thái, kinh tế - xã hội và sức khỏe con người; phân tích công tác quản lý CTN và đề xuất một số kiến nghị và giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm CTN trên toàn quốc.

Tính trung bình, thành phần CTN trong CTRSH tại Việt Nam chiếm khoảng 12%. Tổng khối lượng CTN phát sinh là 2,9 triệu tấn năm 2021 và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm.

pgs.ts-nguyen-tai-tue.jpg
PGS.TS Nguyễn Tài Tuệ - Phó trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Khối lượng CTN thất thoát ra môi trường là 0,42 triệu tấn và chỉ khoảng 0,07 triệu tấn CTN có thể thất thoát vào môi trường nước (sông, hồ, biển…). Con số thất thoát thấp hơn so với các nghiên cứu của các nhà khoa học và tổ chức quốc tế ước tính trước đây. Do vậy, cần phải xem xét cẩn trọng hơn trong các báo cáo cho rằng Việt Nam là 1 trong 4 nước phát thải nhiều nhựa nhiều nhất ra đại dương.

Khối lượng CTN phát sinh là khá lớn, sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào lớn cho các lĩnh vực tái chế CTN, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thành phần CTN trong CTRSH tại Việt Nam phần lớn là túi ni-lông mỏng, bao bì thực phẩm, đồ dùng nhựa một lần. Bên cạnh đó, do không phân loại tại nguồn nên bị nhiễm bẩn các chất hữu cơ, vô cơ dẫn đến khó làm sạch, nên có khả năng tái chế thấp và cần chi phí tái chế lớn.

PV: Trước đây, đã từng có một số báo cáo đưa ra số liệu về khối lượng CTN phát sinh ở Việt Nam. Báo cáo lần này có điểm gì khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Tài Tuệ: Do yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý CTN, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT và tổ chức WWF Việt Nam đã đặt ra vấn đề cần xây dựng Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022. So với các báo cáo trước đó do Chương trình NPAP, Ngân hàng Thế giới hay một số tổ chức trong nước thực hiện, báo cáo này đã được xây dựng với hướng tiếp cận khác. Mô hình, phương pháp tính toán và số liệu đã được xây dựng và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế về tình hình quản lý CTRSH nói chung và CTN nói riêng tại các địa phương của Việt Nam.

Các số liệu về khối lượng CTRSH phát sinh và tỷ lệ thu gom được thu thập từ các báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2021 của các địa phương trong năm 2022. Nội dung của báo cáo cũng được xây dựng theo quy định xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đã phân tích chi tiết về các động lực, áp lực, hiện trạng, tác động và các giải pháp đáp ứng với khối lượng CTN phát sinh.

Báo cáo cung cấp bộ dữ liệu về tình hình phát sinh CTN, khối lượng thu gom, tái chế và thất thoát vào môi trường ở cấp quốc gia và địa phương. Do vậy, kết quả sẽ hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý CTN ở các cấp khác nhau.

PV: Theo ông, nhóm chuyên gia dựa trên căn cứ nào để khẳng định con số thất thoát CTN vào môi trường và môi trường nước thấp hơn so với các nghiên cứu trước đây?

Ông Nguyễn Tài Tuệ: Mô hình dòng chất thải đã được xây dựng để ước tính khối lượng CTN phát sinh từ CTRSH và khối lượng CTN trong các hợp phần khác nhau. Trong đó, CTN phát sinh vào môi trường nước (sông, biển, hồ...) từ các nguồn được ước tính bằng các hệ số theo các báo cáo của các tổ chức quốc tế đã thực hiện tại Việt Nam như báo cáo của Chương trình NPAP, Ngân hàng Thế giới. Mô hình tính toán cũng nhận được sự góp ý từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp liên quan để đảm bảo giảm thiểu tối đa sai số của kết quả.

8a.jpg

Để nâng cao độ chính xác về kết quả của mô hình, cần phải thực hiện điều tra chi tiết hơn về hiện trạng khối lượng CTN trong các thủy vực như sông, hồ, biển… Hiện nay, Bộ TN&MT chuẩn bị ban hành quy định kỹ thuật điều tra rác thải nhựa biển làm cơ sở cho các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá rác thải nhựa tại bờ biển, nước biển, tại đáy biển và trong trầm tích biển.

Thời gian tới, cần xây dựng và ban hành hướng dẫn quy định kỹ thuật về khảo sát, đánh giá khối lượng CTN phát sinh từ nguồn để thống nhất cơ sở dữ liệu, giúp các địa phương cập nhật số liệu phát sinh CTN một cách đầy đủ và chính xác.

PV: Sự ủng hộ của người dân có tác động như thế nào đến hiệu quả công tác quản lý CTN, thưa ông?

Ông Nguyễn Tài Tuệ: Sự ủng hộ của người dân trong thực hiện các chính sách về giảm CTN tại các tỉnh thành là tương đối cao, như sẵn sàng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm và phạt với hành vi xả rác bừa bãi vào môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế CTN, hạn chế sử dụng túi ni-lông, cũng như đồ nhựa dùng một lần; thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình…

Để tăng hiệu quả công tác quản lý CTN phát sinh vào môi trường, cần chú trọng thực hiện các quy định về phân loại CTRSH theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 từ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị ngành nhựa; Quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại hàng hóa chứa vi nhựa, nano nhựa, túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tra chi tiết về hiện trạng chất thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO