Từ khi Luật khoáng sản có hiệu lực đến nay, tỉnh Điện Biên không có doanh nghiệp nào tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản. |
Trước đó, ngày 25/1/2014, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 53/QĐ-UBND, về việc Phê duyệt dự án khoanh định khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Điện Biên. Từ đó đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại các khu vực được phê duyệt trong khu vực đấu giá.
Ông Nguyễn Đình Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quý Điện Biên, cho biết: Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa thăm dò khoáng sản về cơ bản là khó thực hiện được vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá và các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cũng không đánh giá được chất lượng mỏ và trữ lượng mỏ.
Cùng với đó, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 2, điều 4, Nghị định 22/2012 NĐ-CP không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Quy định như vậy sẽ không thực tiễn, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện hành được xác định trên cơ sở mỏ đã có dự án đầu tư. Vì vậy, việc xác định giá khởi điểm rất khó triển khai, nếu có triển khai thì độ tin cậy không có, đặc biệt là đối với khu vực chưa có kết quả thăm dò.
Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản rất khó thực hiện vì chồng chéo giữa các quy định của Luật Khoáng sản; Luật đất đai và Luật thuế tài nguyên. |
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điên Biên, cho biết: Hiện nay, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản hầu như không có đơn vị nào tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng tham gia đấu giá không biết được giá trị của mỏ và tỷ lệ rủi ro cao.
Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản rất khó thực hiện vì chồng chéo giữa các quy định của Luật Khoáng sản; Luật đất đai và Luật thuế tài nguyên. Theo đó, để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu vực có mỏ khoáng sản, Luật Đất đai quy định phải có mặt bằng sạch, doanh nghiệp sẽ không phải giải phóng mặt bằng. Nhưng đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Luật khai thác khoáng sản lại không quy định khu vực đấu giá là mặt bằng sạch. Do đó, đơn vị đấu thầu sẽ phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến chi phí tăng cao rủi ro lớn.
Mặt khác, thuế tài nguyên được tính dựa vào chủ yếu doanh nghiệp khai báo sản lượng thực tế. Trong khi đó, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa thăm dò để đánh giá trữ lượng mỏ và chất lượng mỏ, nên việc tính thuế cấp quyền chỉ mang tính “bốc thuốc” . Từ những hạn chế đó mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên không tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong suốt thời gian qua. Ông Trung nói.