Khoáng sản

Nguồn cung vật liệu xây dựng, đất san lấp tại Quảng Trị: Thừa hay thiếu?

Thanh Tùng - Phan Tiến 13/12/2024 - 13:40

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, nguồn cung đất làm vật liệu san lấp, cát sỏi và đá làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) hiện đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trên trên địa tỉnh.

Hiện nay, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp hàng năm tại tỉnh Quảng Trị khoảng 1,9 triệu m3/năm. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tổng công suất có thể huy động đối với các mỏ đất làm vật liệu san lấp là 0,94 triệu m3/năm (chưa kể mỏ cấp theo cơ chế đặc thù cung cấp cho cao tốc); đất san lấp từ mỏ đá là 0,21 triệu m3/năm; khai thác đất san lấp trong diện tích đầu tư xây dựng công trình là 0,2 triệu m3/năm.

Ngoài ra, còn có nguồn huy động đất san lấp từ các dự án nạo vét lòng hồ thuỷ lợi (chỉ tính khối lượng có thể sử dụng 10%/năm tương đương 0,5 triệu m3/năm), bàu và nạo vét khơi thông dòng chảy sông suối (0,2 triệu m3/năm). Tổng khối lượng vật liệu san lấp có thể huy động là 2,05 triệu m3/năm.

“Như vậy, nếu huy động toàn bộ nguồn vật liệu đất san lấp đã được cấp phép, thì tổng công suất khai thác, tận thu cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh”, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khi có 17 mỏ đất làm vật liệu san lấp được cấp phép đi vào hoạt động (gồm 7 mỏ đã hoạt động; 9 mỏ trúng đấu giá đang làm thủ tục và 1 mỏ khoanh định) và huy động các nguồn khác thì có thể cung cấp khoảng 4,45 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp/năm - đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

1(1).jpg
Một bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Về đá làm vật liệu xây dựng, nhu cầu hàng năm cần khoảng 1,0 triệu m3/năm (đá thành phẩm). Hiện có 7/12 giấy phép đã được UBND tỉnh cấp phép và đưa vào khai thác với tổng công suất khai thác 749.520 m3/năm (nguyên khối) tương ứng khoảng 1,349 triệu m3 thành phẩm/năm.

Với nguồn cung đó cơ bản đáp ứng nhu cầu về đá thành phẩm làm VLXDTT trên địa tỉnh hiện nay. Bởi khi 12 mỏ đá làm VLXDTT hoạt động thì có thể cung cấp khoảng 2,492 triệu m3 thành phẩm/năm.

Về cát làm VLXDTT, nhu cầu hàng năm cần khoảng 0,734 triệu m3/năm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường khả năng cung ứng cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn hiện nay là 0,758 triệu m3/năm.

Trong đó, 11/13 giấy phép đã được UBND tỉnh cấp phép và đưa vào khai thác với tổng công suất 0,228 triệu m3/năm. Ngoài ra hiện nay nguồn cát làm VLXDTT còn được cung cấp từ sản phẩm nạo vét từ sông (Bến Đá), các lòng hồ thủy điện (4 giấy phép) với tổng công suất khoảng 0,53 triệu m3/năm.

“Như vậy, nếu huy động tất cả 15 mỏ cát sỏi VLXDTT hoạt động và nguồn tận dụng nạo vét thì có thể cung cấp khoảng 0,848 triệu m3/năm - hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn tỉnh”, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND các huyện thực hiện việc rà soát bổ sung các điểm mỏ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng đảm bảo cho nhu cầu cũng như việc triển khai đồng bộ. Chỉ đạo các chủ đầu tư công trình trong quá trình đấu thầu, triển khai các dự án cần phải khảo sát các điểm mỏ đã được cấp phép gần nhất đến chân công trình.

Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cam kết triển khai các bước để được cấp phép khai thác và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn cung vật liệu xây dựng, đất san lấp tại Quảng Trị: Thừa hay thiếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO