Dấu ấn Huổi Khon

12/02/2014 00:00

(TN&MT) - Cuộc sống của người dân bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đang chuyển mình bằng bàn tay “khai sơn phá thạch”...

(TN&MT) - Cuộc sống của người dân bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đang chuyển mình bằng bàn tay “khai sơn phá thạch”, những giọt mồ hôi cho mùa vàng trĩu hạt, đàn trâu, bò sinh sôi nảy nở… Cuộc sống ấm no, sung túc đã hiện hữu trong nhiều ngôi nhà. Những âm thanh của cuộc sống bình yên, trong rạo rực của đất trời. Đó là những gì, chúng tôi được tận mắt chứng kiến khi về bản vào những ngày này.
   
Những đứa trẻ bản Huổi Khon đang chăm chỉ học tập
   
Huổi Khon chuyển mình
  Chúng tôi đến Huổi Khon khi buổi sớm sương mù vẫn bao phủ kín từng nóc nhà trong bản. Bản nhỏ bình yên nằm gọn dưới thung lũng, tựa nưng vào núi, mây trắng bồng bềnh như chốn bồng lai.
   
  Con đường dẫn về bản ngoằn ngèo như sợi chỉ, ngày trước mùa mưa, lũ người dân như sống trên ốc đảo, cô lập với bên ngoài vì ngầm suối chia cắt con đường độc đạo. Hôm nay trên con đường ấy là cả công trường đang rộn ràng tiếng máy ủi, máy xúc… không khí lao động khẩn trương trong ngày đầu năm 2014. Tuyến đường mới vào bản cùng với 3 cây cầu bắc qua ngầm với tổng mức đầu tư 27 tỷ đồng sẽ giúp người dân mỗi mùa mưa, lũ không phải ngồi trong nhà ngóng ra ngoài trông trời mưa tạnh.
   
  Chỉ cách đây 3 năm thôi, Huổi Khon đã đổi thay rất nhiều, Trưởng bản Sùng A Kỷ nói với chúng tôi: Cái được lớn nhất của 94 hộ, 578 nhân khẩu của bản đó là thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ… Không nhắc lại chuyện cũ nhưng chúng tôi biết trưởng bản đang nói về chuyện ấy. Chuyện mù quáng tin vào sức mạnh siêu nhiên cho người dân ở đây cuộc sống đủ đầy, không làm, không nghĩ… cũng có tất cả. “Cũng giống như con người thôi, vấp ngã mà nhận thức ra đứng dậy được thì mạnh mẽ lắm!” - ông trưởng bản Sùng A Kỷ giọng hồ hởi: Trong bản tính sơ sơ giờ có gần chục hộ, bằng các mô hình phát triển kinh tế hàng năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Người Huổi Khon giờ không phải mơ ước xa vời nữa mà giấc mơ ấy đang hiện hữu bằng lao động, mồ hôi, công sức…
   
Người dân bản Huổi Khon đang phát triển thế mạnh chăn nuôi
   
  Người Huổi Khon giờ chỉ duy nhất lòng tin vào ý chí nghị lực của mình, tin vào Đảng như con đường mới kia đang mở, chính sách được đầu tư, quan tâm… Trưởng bản dẫn chúng tôi lên thăm trường học trong bản như lời của ông cùng với phát triển kinh tế, bản quyết tâm chăm lo cho 100% con em đến trường học chữ. Có cái chữ chúng không mắc sai lầm như thế hệ trước, cái chữ để dẫn đường cho chúng hơn đời cha, ông. Ông nói quả quyết: Với 1 lớp mầm non và 5 lớp tiểu học không có hiện tượng học sinh bỏ học, nghỉ học thường xuyên. Trường lớp hàng năm, người dân trong bản đều có ý thức đóng góp, vật liệu ngày công tu sửa. Sự học ở đây được đánh dấu, bằng việc hiện trong bản đang có 7 học sinh đang theo học cấp III ở các trường trong huyện. Những hạt giống ấy sau này sẽ giúp Huổi Khon đổi thay và phát triển hơn nữa.
   
Chuyện làm giàu của bản
  Về Huổi Khon hôm nay, chúng tôi chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện như những “kỳ tích” không khỏi ngỡ ngàng, khâm phục ý chí, nghị lực của người dân nơi đây. Ngẫm lại câu nói của Trưởng bản Sùng A Kỷ mới thấy thật đúng, thật sâu sắc khi nhận ra cái giá phải trả cho những sai lầm, thì sức mạnh tiềm ẩn trỗi dậy mạnh mẽ.
   
  Mở đầu câu chuyện với ông đội đá vá trời mà người dân ở bản Huổi Khon đã đặt cho Vàng A Dình bằng cái tên như vậy. Người đầu tiên trong bản biến 1 ha nương hoang thành ruộng nước, cái việc đưa được nước về làm ruộng thì người dân ở đây trước kia chỉ biết chắp tay chờ mong ngày “Vua” ra có phép mầu mới có thể làm được, Vàng A Dình cũng có suy nghĩ như vậy. Chính bởi lẽ đó, bao nhiêu nương chỉ làm một vụ rồi bỏ hoang cằn cỗi, thu nhập mỗi năm chẳng được đến 3 tạ thóc. Vàng A Dình nói với chúng tôi: Không có gì là không thể làm được khi mình có lòng quyết tâm, khó thì cứ làm dần ông trời không phụ công mình.
   
Trưởng bản Sùng A Kỷ và Bộ đội Biên phòng vận động bà con trong bản thực hiện nếp sống mới
   
  Vào cuối năm 2011 sau sự việc xảy ra trong bản, với suy nghĩ không thể ngồi nhìn mà dòng suối có thể chảy ra thóc gạo, cơm ngon… mà làm thế nào bắt dòng suối chảy vào mảnh nương đang khát nước, lâu nay đã bị bỏ hoang của nhà mình thì điều ấy sẽ thành hiện thực. Vàng A Dình đã hun đúc quyết tâm thực hiện bằng được ý định đào mương dẫn nước vào nương, dù biết điều ấy không hề đơn giản vì đoạn mương dài gần 1.000 m, xẻ qua núi đào trên đá. Nghĩ là làm và quyết tâm làm cho bằng được và như để chuộc lại những tháng ngày bỏ hoài phí. Hàng ngày, ông dậy từ sớm cùng 3 con chuẩn bị xà beng, cuốc, thuổng… còn vợ ông nấu cơm gói lại cho 4 bố con mang đi ăn bữa trưa vì đoạn đường xa không thể về nhà. Biết việc gia đình ông đào mương dẫn nước về nương để làm ruộng, bà con trong bản không khỏi ngạc nhiên và coi như việc vá trời ngày xưa.
   
  Vàng A Dình cho biết: Nếu cứ chần chừ, sợ sệt thì không làm được việc gì, giàu nghèo là do mình cả. Một năm trời công sức của 4 người đàn ông cật lực dãi nắng, dầm mưa đã cho gia đình ông thu 2 vụ lúa trong năm với gần 8 tấn thóc gần gấp 30 lần làm nương ngày trước. Năm đầu tiên nhìn những cây lúa no nước trĩu hạt vàng, Vàng A Dình đã úp mặt vào hai bàn tay thô ráp, khóc rưng rức như đứa trẻ trong niềm vui sướng. Từ việc dư thừa cái ăn, gia đình ông phát triển chăn nuôi đàn trâu bò với 15 con và hàng chục con lợn thịt trở thành hộ có thu nhập cao nhất bản.
   
  Từ tấm gương Vàng A Dình, các hộ trong bản đua nhau làm mương dẫn nước làm ruộng, Trưởng bản Sùng A Kỷ lẩm nhẩm kể tên như: Sùng A Sang đào 200m mương cho diện tích 0,8ha ruộng, Sùng A Của 300m mương với diện tích 0,6 ha; Giàng A Dình 300 m mương, với diện tích 0,7 ha… còn rất nhiều hộ có diện tích ít. Chính vì  đào mương làm ruộng nên giờ Huổi Khon đã có cuộc sống khá giả rất nhiều cả bản xóa được nhà tạm, tới 90% các hội có xe máy, ti vi chỉ còn 3 hộ thiếu ăn vào ngày giáp hạt. Trong bản phát triển đa dạng mô hình kinh tế như Giàng A Dình lợi dụng suối để chăn nuôi đàn vịt trên 500 con mỗi năm thu lãi trên 30 triệu đồng.
   
  Ở bản Huổi Khon, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây đang trỗi dậy nhưng sức xuân đang về căng trên lồng ngực. Trong cảnh sắc rực rỡ của đất trời, núi non bao bọc hùng vĩ một cuộc sống yên bình đang vang lên với nhiều âm điệu: Tiếng lúc lắc trên cổ trâu, bò no căng đang chầm chậm trở về chuồng; tiếng nói cười của người dân đang dựng ngôi nhà cho hộ mới tách, tiếng dòng suối chảy ngược lên nương cho mùa no ấm, tiếng đọc bài của các em học sinh âm vang cả bản… Huổi Khon hôm nay đang ghi một dấu ấn mới ngoạn mục về sự đổi thay.
Bài và ảnh: Kiên Cường
   
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Huổi Khon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO