Đắk Lắk: “Chảy máu” rừng sinh thái Buôn Đôn

28/10/2014 00:00

(TN&MT) – Nhiều năm nay, khu rừng sinh thái ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên bị lâm tặc khai thác lâm sản trái phép.

   
(TN&MT) – Nhiều năm nay, khu rừng sinh thái ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên bị lâm tặc khai thác lâm sản trái phép. Trong khi đó, diện tích rừng này đã được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho một đơn vị quản lý, bảo vệ và kết hợp với kinh doanh du lịch.
   
Khu du lịch gần như bị bỏ hoang vì kinh doanh không có hiệu quả
   
Điểm nóng phá rừng
   
  Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (ở TP. Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho hơn 1.300ha đất rừng (ở địa bàn xã Krông Na) từ năm 2005 để làm khu du lịch sinh thái với mục đích quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường thiên nhiên, gắn kết với dịch vụ du lịch sinh thái văn hóa… Đến năm 2013, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk lại bàn giao diện tích rừng này cho Công ty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn (gọi tắt là Công ty Bản Đôn) để đơn vị này tiếp tục kinh doanh du lịch. Do kinh doanh không có hiệu quả, khu du lịch này ngày càng trở nên vắng khách và gần như đã ngừng hoạt động từ nhiều tháng nay. Bên cạnh đó, nhiều cây gỗ quý trong trong khu rừng sinh thái đã bị lâm tặc vào khai thác trái phép.
   
Các cây gỗ có giá trị, đường kính trên 40cm cơ bản đã bị lâm tặc chặt hạ
    
   
  Sáng 23/10, chúng tôi đến xã Krông Na và theo chân chị L.T.T.V. (ở xã Krông Na) để vào Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Theo nhân viên bảo vệ tại cổng chính, khu du lịch đang tạm thời đóng cửa để tu sửa. Ngoài lực lượng bảo vệ luân phiên thường trực, khu du lịch hiện chỉ còn vài nhân viên của công ty Bản Đôn. Sau ít phút trò chuyện, lấy lý do vào tham quan khu du lịch, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình trong khu rừng sinh thái Bản Đôn.
   
   
  Từ cổng chính vào trung tâm khu du lịch không một bóng người, cây cỏ mọc um tùm quanh các khu nhà, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, cảnh vật như bị bỏ hoang từ lâu. Men theo con đường bê tông và con đường lát đá xanh được xây dựng để du khách tham quan khu rừng sinh thái, chẳng mấy chốc có thể thấy nhiều cây gỗ lớn (đường kính trên 0,4m) bị đốn hạ ven đường.
   
   
  Tiếp tục rẽ theo các lối mòn để tiến sâu vào rừng, chúng tôi chứng kiến hàng chục cây căm xe, giáng hương, lim xẹt... nằm ngổn ngang. Nhiều cây gỗ bị đốn hạ từ lâu, lâm tặc đã lấy đi phần “nạc”, chỉ còn lại phần thân ngọn và lá nằm chỏng chơ; nhiều cây mới bị hạ, nhựa ứa quanh gốc, thân khá tươi, lá còn xanh và lâm tặc chưa kịp lấy gỗ đi; nhiều cây bị sâu phần thân, không đạt chất lượng nên lâm tặc hạ rồi để nguyên.
   
   
  Dừng chân tại một gốc lim xẹt khá lớn (đường kính khoảng 1,2m), người dẫn đường khẳng định cây này mới bị chặt hạ cách khoảng 10 ngày trước. “Sau khi hạ cây, lâm tặc thường sử dụng cưa máy để xẻ gỗ thành các lóng (dài từ 1-1,5m) nhằm thuận tiện vận chuyển ra khỏi rừng bằng xe máy. Những cây lớn hơn, lâm tặc còn “cẩn thận” xẻ bìa ngay ở gốc, sau đó mới đưa những khối gỗ hộp vuông vắn ra ngoài” – chị V. vừa nói, vừa chỉ tay về đống bìa mà lâm tặc xẻ tại gốc.
   
   
Chủ rừng buông lỏng quản lý?
   
  Qua tìm hiểu, PV biết được chỉ có 1 con đường duy nhất để ra – vào khu rừng sinh thái là đi qua cổng chính, được lực lượng bảo vệ túc trực ngày đêm. Như vậy, nếu không có sự “tiếp tay” của chủ rừng thì lâm tặc khó có thể khai thác và vận chuyển trót lọt gỗ ra khỏi rừng. Bên cạnh đó, nhiều cây gỗ bị chặt hạ ở sát đường chính, thậm chí cạnh chốt quản lý bảo vệ của đơn vị chủ rừng. Trong quá trình khai thác và vận chuyển, lâm tặc thường dùng phương tiện cơ giới như xe độ, máy cày, cưa xăng, cưa lốc… nên sẽ phát ra tiếng ồn, chẳng hiểu sao chủ rừng lại không phát hiện được và tìm cách ngăn chặn?.
   
   
  Theo ông Y Thông Niê Kđăm - Chủ tịch UBND xã Krông Na, từ năm 2011 đến nay, các cây gỗ lớn (đường kính 50-60cm) và có giá trị trong khu rừng sinh thái gần như đã bị lâm tặc chặt hạ hết. Nguyên nhân chính là do kinh doanh không có hiệu quả, chủ rừng buông lỏng quản lý, biến cánh rừng này thành “vô chủ”. “Chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng được tỉnh giao cho. Trong trường hợp xảy ra vụ việc nghiêm trọng, chủ rừng phải báo lên các cơ quan chức năng phối hợp để xử lý. Trong khi đó, chủ rừng lại “mặc nhiên” để lâm tặc hoành hành, đến khi địa phương phát hiện, báo cáo lên các cơ quan chức năng thì rừng đã bị mất quá nhiều” – ông Thông cho biết thêm.
   
Lâm tặc cưa thành các lóng gỗ ngắn để thuận tiện vận chuyển ra ngoài
    
   
  Thống kê chưa đầy đủ của xã Krông Na cho thấy, từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 13 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, vào tháng 6/2013, lực lượng liên ngành đã phát hiện 1 bãi tập kết gỗ lậu ngay tại bìa rừng sinh thái, thu giữ tang vật gồm 60 khúc gỗ tròn (dài bình quân 4m, tổng khối lượng 10m3) các loại như chiu liu, cẩm, căm xe, cà chít… Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định có 221 cây rừng bị triệt hạ, trong đó có 138 cây đã bị lấy đi phần gỗ, thu giữ hơn 47m3 gỗ các loại. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 5 đối tượng (ở xã Krông Na) vì hành vi khai thác trái phép lâm sản.
   
  Theo ông Bùi Văn Khang – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại khu vực rừng sinh thái thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. UBND huyện Buôn Đôn đã thành lập đoàn liên ngành, phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ xã Krông Na thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử phạt các đối tượng lâm tặc, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Mới đây, vào giữa tháng 10/2014, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện và thu giữ 5 xe honda độ chế của các đối tượng khai thác lâm sản trái phép.
   
  Về hướng giải quyết, ông Khang cho hay: “Trước mắt, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với các ban ngành của huyện cắt cử người canh giữ, bảo vệ ngày đêm trong khu rừng sinh thái. Sau đó, chúng tôi sẽ tham mưu lên UBND huyện để huyện kiến nghị lên UBND tỉnh xem xét, đánh giá lại năng lực của đơn vị chủ rừng. Nếu đơn vị chủ rừng hoạt động không có hiệu quả, không quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao, đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích này và giao cho đơn vị khác”.
   
Theo người dẫn đường, chỉ có 1 lối ra – vào rừng sinh thái là đi qua cửa chính
    
   
  Thời gian gần đây, những cánh rừng đặc dụng và rừng phòng hộ còn gỗ quý hiếm, giàu trữ lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bị xâm hại. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần có biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất để đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương có rừng, đồng thời giữ lấy “vốn” rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho mai sau./.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: “Chảy máu” rừng sinh thái Buôn Đôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO