Đà Nẵng: Siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

09/04/2016 00:00

(TN&MT) - Xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm mà gần đây Đà Nẵng đang nổi lên tình trạng măng bị nhuộm chất vàng ô xôn xao dư luận, làm hoang mang cho người tiêu dùng càng làm nóng vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Đà Nẵng. Ngày 08/4) UBND TP Đà Nẵng đã có buổi họp bàn về công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phải kiểm tra các nguồn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường mới có thể quản lý chặt chẽ chất lượng
Phải kiểm tra các nguồn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường mới có thể quản lý chặt chẽ chất lượng

Nhiều tồn tại chưa được giải quyết

Hiện nay, với nền kinh tế hội nhập, hàng hóa được nhập từ nhiều nơi, các mặt hàng đa dạng, phong phú nên người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng đảm bảo chất lượng. Nhất là đối các mặt hàng thực phẩm gây hại từ từ nên càng khó khăn trong vấn đề kiểm soát.

Trong 5 năm qua, tại thành phố chưa xảy ra vụ ngộ độc nghiêm trọng nào, công tác thanh kiểm tra được tổ chức thường xuyên, liên tục và có sự tham gia của các cấp, ngành các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Vừa qua, thành phố cũng đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm đạt yêu cầu. Kết quả có 98,1% cơ sở đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, thành phố cũng cấp giấy cho các sản phẩm đạt VSATTP, đồng thời kiểm tra ô nhiễm sinh vật, kiểm tra 449 mẫu thủy sản. Hiện thành phố có trên 1.500 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã được quản lý chặt chẽ. Nhìn chung, trong 5 năm vừa qua, công tác đảm bảo ATVSTP đã co nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra quản lý vẫn còn nhiều khó khăn do tình trạng sử dụng hóa chất, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, gian lận ngày càng xảo quyệt, tinh vi. Các lực lượng chức năng không thể chủ động quản lý được nguy cơ mất ATVSTP.

Mặt khác, vấn đề ATVSTP rất phức tạp nên khó quy trách nhiệm khi phát hiện trường hợp vi phạm. Một thực phẩm đến tay người tiêu dùng có thể qua nhiều vòng từ nguồn gốc nguyên liệu đến cơ sở kinh doanh nguyên liệu rồi qua khâu chế biến. Nếu thực phẩm đó không đạt chất lượng thì phải truy theo quy trình đó để xử phạt thì rất gian nan và mất nhiều thời gian. Trong khi đơn vị kiểm định chất lượng đủ thẩm quyền thì rất ít.

Trong tháng 3 vừa qua, sau khi phát hiện măng bị nhuộm chất vàng ô, thành phố Đà Nẵng đã gửi 13 mẫu măng để được kiểm nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh và kết quả có 10/13 mẫu bị nhiễm chất vàng ô. Được biết, chất này là chất cấm dùng trong chăn nuôi nên rất độc hại khi dùng cho thực phẩm. Sự việc đã khiến TP. Đà Nẵng thêm lo lắng về công tác quản lý ATVSTP.

Siết chặt công tác quản lý

Tại cuộc họp, sau khi phân tích những tồn tại và khó khăn trong quản lý ATVSTP của các đơn vị và các bộ phận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã tổng kết ý kiến đóng góp và ra phương án chỉ đạo.

Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mọc lên thường xuyên nên không thể kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm
Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mọc lên thường xuyên nên không thể kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm

Trước hết, giao Sở Y tế chủ trì họp bàn với Sở NN&PTNT, các quận, huyện để lập văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP phù hợp với thành phố, dựa trên những ý kiến, đề nghị của các đại biểu tại buổi họp. Trước ngày 15/5/2016 Sở Y tế phải hoàn thành quy trình đề xuất lên UB thành phố.

Vấn đề chồng chéo trong quản lý, các bộ phận phải tự tìm giải pháp để quản lý phù hợp. Theo ông Dũng nên lập một bộ máy riêng chuyên quản lý về ATTP để quản lý chặt chẽ, thiết thực hơn.

Ngoài ra, các mặt hàng sản xuất trên địa bàn thành phố phải kiểm nghiệm sạch, an toàn trước khi xuất ra thị trường, đẩy mạnh sản xuất rau, thịt để cung cấp cho thành phố nhằm giảm nhập hàng từ bên ngoài khó quản lý chất lượng. Thành phố có 3 cơ sở sản xuất rau đạt chuẩn VietGap, cần phải nhân rộng mô hình để có đủ nguồn rau cung cấp và tuyên truyền đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng cách.

Công tác tuyên truyền được xem vô cùng quan trọng. Cần có kế hoạch và nội dung tuyên truyền cụ thể cho từng đối tượng khác nhau (cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, người tiêu dùng…). Sở Công thương phải tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở chế biến và thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra. Có thể kiểm tra đột xuất, đóng giả thương lái, người mua hàng, khách hàng để phát hiện các cơ sở vi phạm.

TP. Đà Nẵng nổi tiếng với các món ngon về hải sản góp phần thu hút khách du lịch nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thủy, hải sản quyết định sự thành công  của ngành du lịch Đà Nẵng.

Để tránh lặp lại tình trạng thực phẩm nhiễm độc như trường hợp măng, ông Đặng Việt Dũng đề nghị các đơn vị, bộ phận phải kiểm tra liên tục, cơ sở nào đạt chuẩn cấp giấy chứng nhận và dán công khai giấy chứng nhận tại cơ sở kinh doanh để khách hàng biết. Còn cơ sở nào không đạt chuẩn phải chấn chỉnh và có hình thức xử phạt nếu không chấn chỉnh.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, không chỉ có Tháng Hành động vì Vệ sinh an toàn thực phẩm mới phải tiến hành kiểm tra thường xuyên mà trong tất cả các tháng đều phải tiến hành kiểm tra, tuyên truyền. Có như vậy may chăng mới kiểm soát được ATVSTP trong tình hình hiện nay.

Bài & ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO