Ngày 7/8, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP. Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý chảy tràn ra biển khu vực Phước Mỹ (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), đơn vị đã khẩn trương huy động các công nhân vệ sinh môi trường và máy ủi để san gạt bờ biển và xử lý mùi hôi thối.
Trước đó, khoảng 21 giờ tối 5/8, tại bờ biển Phước Mỹ, đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), nhiều người dân đánh lưới tại đây rất bức xúc khi phát hiện hàng trăm m3 nước thải đen ngòm, chưa qua xử lý chảy ồ ạt tràn ra từ bên trong hệ thống cống xả An Đồn.
Anh Nguyễn Minh, trú quận Sơn Trà bức xúc cho biết, khi đang ngồi chơi trên bãi biển thì nghe mùi hôi thối nồng nặc, hỏi mấy người đánh cá khu vực này thì họ nói việc nước thải chảy ra biển này diễn ra thường xuyên, cứ vài ngày lại diễn ra một lần.
“Thành phố phải làm như thế nào chứ để tình trạng này tiếp tục thì rất ảnh hưởng đến du lịch”- anh Nguyễn Minh bức xúc.
“Nước thải nổi bọt trắng xóa kèm mùi hôi rất khó chịu. Chúng tôi thường xuyên ra đây để đánh lưới bắt cá mỗi đêm nhưng hôm nay là lúc cống xả có nước thải tràn ra nhiều với một lượng rất lớn. Người dân chúng tôi rất lo lắng và bức xúc vì sợ môi trường biển bị ô nhiễm”, một ngư dân chia sẻ.
Theo Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP. Đà Nẵng, lượng nước thải tràn ra biển Phước Mỹ vào tối 5-8 có thể chính là nguồn nước thải được hàng loạt bể bơi của các khách sạn và nhà hàng nằm trên đường biển Võ Nguyên Giáp xả trộm vào hệ thống thu gom nước thải được đặt dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo ông Mã, các đơn vị hoạt động du lịch có sử dụng bể bơi tại khu vực này do đã có đóng phí bảo vệ môi trường (1.000 đồng/m3) khi sử dụng việc bơm nước sạch vào hệ thống bể bơi nên họ có thể có quyền xả lượng nước thải từ bể bơi ra ngoài.
Do hệ thống thu gom nước thải trên đang quá tải và không đủ sức chứa nước thải nên đã gây ra tình trạng nước thải chảy tràn ra biển. Phía công ty không thể kiểm soát hết lượng nước thải chưa qua xử lý bị xả trộm ban đêm vào hệ thống thoát nước thải chung của thành phố.
Nhiều năm nay, hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại TP. Đà Nẵng, nhất là khu vực gần biển đang từng ngày “bức tử” môi trường. Năm ngoái, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã phát hiện 3 công trình thi công tầng hầm và xả thải ra môi trường. Đó là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chinwin chủ đầu tư khách sạn Sea Shore, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Việt Nam. Holiday, chủ đầu tư công trình khách sạn Lô 20,21,22, b4.3 vệt dọc tường rào sân bay Nước Mặn ở đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong ba năm qua, phòng khách sạn trên địa bàn tăng 2.000 - 3.000 phòng /năm. Năm 2015 có 490 resort và khách sạn, trong đó khách sạn 1 - 2 sao chiếm 80,4% với 18.233 phòng. Đến năm 2017, con số resort và khách sạn đã tăng 689 cơ sở lưu trú với 28.821 phòng, vượt ngoài dự báo của thành phố. Ngoài ra, chỉ tính riêng khu vực ven biển có tới hàng ngàn nhà hàng lớn, nhỏ khác nhau. Như vậy, mỗi ngày các bãi biển ở Đà Nẵng phải hứng chịu hàng nghìn m3 nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn. Nếu Đà Nẵng không mạnh tay xử lý các nhà hàng, khách sạn xả thải vô tội vạ thì những bãi biển trên địa bàn sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch của thành phố.
“Chúng tôi vẫn đang cố gắng giám sát việc xả thải của các khách sạn và nhà hàng tại khu vực trên theo quy định. Để khắc phục tình trạng nước chảy tràn ra biển mỗi khi mưa lớn hoặc các hồ bơi đồng loạt xả thải cần phải đầu tư hệ thống thu gom nước thải đồng bộ. Chúng tôi đã đề xuất và thành phố đã có chủ trương đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Khi được đầu tư, nâng cấp xong, toàn bộ nước thải tại khu vực này sẽ không còn tình trạng nước thải tràn ra biển như hiện nay”- ông Mã nói.