Sức khỏe

Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo

Anh Dũng 25/04/2024 - 17:16

Sau khi ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân và xác định rõ giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chỉ tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hằng năm của tỉnh.

h1(1).png
Quảng Nam khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái

Kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam khóa XXII về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, kết quả đạt được theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025, cuối năm 2021 toàn tỉnh có 33.127 hộ nghèo, tỷ lệ 7,59% (trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động có 9.430 hộ, tỷ lệ 2,16%).

Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 24.669 hộ, tỷ lệ 5,57% (trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động còn 7.275 hộ, tỷ lệ 1,64%), giảm 8.458 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 2,02%; bình quân mỗi năm giảm 4.229 hộ nghèo, tương ứng 1,01%/năm, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (giảm từ 0,3 - 0,4%/năm) và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao hằng năm.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện đồng bằng giảm còn 1,48%, đạt và vượt so với mục tiêu giảm còn dưới 1,5% vào cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm còn 22,05% vào cuối năm 2023, đạt 45,35% so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU (theo chuẩn cũ).

Tỷ lệ nghèo ở 6 huyện nghèo giảm từ 52,21% cuối năm 2021 xuống còn 36,37% cuối năm 2023, tỷ lệ giảm 15,14% (bình quân giảm 7,92%/năm), đạt và vượt so với mục tiêu giảm từ 3 - 4%/năm tại Nghị quyết số 06-NQ/TU.

Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 - 2025: Năm 2021 là 1,88% (cả nước 4,15%); năm 2022 là 1,97% (cả nước 3,49%), tăng 0,09% so với năm 2021; năm 2023 còn 1,90% (cả nước 2,78%) giảm 0,08% so với năm 2022 và tăng 0,02% so năm 2021, đạt mục tiêu thấp hơn cả nước.

h2(1).jpg
Quảng Nam xây dựng nhà ở xã hội cho người dân ở miền núi, góp phần cải thiện đời sống của người nghèo

Hiệu quả của các chương trình, chính sách giảm nghèo

Sau khi ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, Tỉnh ủy Quảng Nam đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU kịp thời, nghiêm túc và hiệu quả.

Nhiều hoạt động triển khai tuyên truyền, vận động để thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật giảm nghèo bền vững, nhất là chuẩn nghèo đa chiều, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và cuộc vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” đã được thực hiện có hiệu quả, đa dạng về nội dung, với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.

Qua đó, toàn tỉnh đã thực hiện cho vay 11.221 lượt hộ nghèo với số tiền 533,335 tỷ đồng; 16.145 lượt hộ cận nghèo với số tiền 851,444 tỷ đồng; 14.368 lượt hộ mới thoát nghèo với số tiền 770,185 tỷ đồng. Phân bổ 12,95 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện đào tạo lao động trong năm 2021; tổ chức đưa 2.513 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Thực hiện cấp miễn phí 157.785 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, kinh phí 111,541 tỷ đồng và 272.007 người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, kinh phí 202,12 tỷ đồng. Hỗ trợ đóng BHYT cho 30.271 người cận nghèo, kinh phí 20,784 tỷ đồng; cấp 44.476 thẻ BHYT cho đối tượng thoát nghèo, thoát cận nghèo, kinh phí 29,036 tỷ đồng.

h3(1).jpg
Quảng Nam triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cho người dân trên địa bàn huyện Nam Trà My với việc trồng sâm Ngọc Linh

Thực hiện Chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo, từ năm 2021 đến năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai bao phủ đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Đến nay, đã có 113.945 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó, đã cho hơn 41.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn, doanh số cho vay 2.154,964 triệu đồng.

Tạo việc làm cho hơn 26.500 lao động, hỗ trợ 168 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; giúp 4.812 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phục vụ học tập; xây dựng, cải tạo 46.992 công trình nước sạch vệ sinh; 1.023 ngôi nhà xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nhất là cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất đối với người lao động do Covid-19 với số tiền 1.730 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển 50 mô hình giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025; từ năm 2021 đến năm 2023, đã phân bổ 100,196 tỷ đồng để triển khai xây dựng thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, đã triển khai xây dựng 136 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với 3.391 hộ dân tham gia.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đã phân bổ 43,645 tỷ đồng để triển khai xây dựng và thực hiện 15 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn huyện Tiên Phước, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My và Phước Sơn với 492 hộ dân tham gia.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 4,16% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 21%; các phường, thị trấn ở thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động); tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO