Tài nguyên nước

Thu gom, xử lý nước thải triệt để - "Một vốn bốn lời"

Khánh Ly (thực hiện) 07/03/2024 - 12:01

(TN&MT) - Nghiên cứu do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, cứ 1 USD đầu tư cho xử lý nước thải có thể thu về từ 4 – 11 USD.

bia-to.png

Nghiên cứu do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, cứ 1 USD đầu tư cho xử lý nước thải có thể thu về từ 4 – 11 USD. Phần thu về không hẳn là lợi nhuận cho nhà đầu tư, mà là lợi ích chung cho cộng đồng đô thị về giảm gánh nặng các bệnh tật liên quan đến nước, nguồn nước sạch, chất lượng môi trường và cảnh quan, làm gia tăng giá trị của đất đai, tiết kiệm thời gian đi lấy nước, khuyến khích du lịch và đầu tư... Có thể nói là “1 vốn 4 lời”.

anh-nv(2).png

Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường. Việc tăng giá dịch vụ cấp thoát nước hợp lý để bù đắp chi phí, cùng với quyết tâm của chính quyền địa phương được cho là 2 trong số những giải pháp căn cơ để giải quyết thách thức này, hướng tới xây dựng các đô thị đạt tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.

1(1).png

Ông Nguyễn Việt Anh: Cấp thoát nước là một thành phần quan trọng để đạt được các tiêu chí về đô thị xanh, kinh tế xanh, giúp tiết kiệm tài nguyên. Các định hướng chiến lược, chủ trương chính sách về thoát nước, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh đã có, nhưng cơ chế và nguồn lực để thực hiện vẫn chưa rõ ràng.

Ở đây cần phân biệt nguồn lực đầu tư và nguồn lực vận hành. Phần lớn nguồn lực đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải đô thị đã và đang sử dụng vốn vay ODA (khoảng 80%). Tuy nhiên, Việt Nam đang cố gắng hạn chế các khoản vay này để giảm gánh nặng nợ nước ngoài. Trong khi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này chưa dồi dào, giá dịch vụ cấp thoát nước còn thấp nên vẫn chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia. Các dự án theo dạng đổi đất lấy hạ tầng cũng không còn khả thi do không đúng bản chất PPP và dễ phát sinh tiêu cực. Trong khi đó, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP còn khá mới và nhiều quy định chưa rõ ràng.

Về cơ bản, chính quyền các địa phương hiện vẫn chưa coi nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải và chất thải rắn là vấn đề cần ưu tiên hành động; không có cách tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức. Các đô thị thường tập trung phát triển nhà, đường giao thông, nhưng lại chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng nên dễ gây quá tải và tốn kém sau này.

anh-1(3).jpg

Dễ thấy nhất, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải có 3 hợp phần, gồm nhà máy xử lý nước thải, mạng lưới cống chính và cống nhánh, và phần đấu nối với hộ thoát nước. Tuy nhiên, nhiều thành phố thường chỉ quan tâm xây nhà máy xử lý nước thải hiện đại nhưng không đầu tư xây cống, hoặc chỉ xây các tuyến cống chính, mà xây cống thường lại không theo kịp tiến độ của nhà máy xử lý do vướng giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn tới không có nước thải thu gom về nhà máy xử lý. Phần cống nhánh và các hạng mục đấu nối tới các hộ gia đình chưa được quan tâm, dẫn tới tình trạng trước nhà có cống nhưng người dân vẫn xả nước thải ra sau nhà, nhất là khi có nền đất cát dễ thấm hay khi có kênh rạch, đất trống, ao hồ sau nhà, gây ô nhiễm nước ngầm và môi trường xung quanh. Trong khi đó, tiền xây nhà máy và cống chính vay từ nguồn ODA, tức là vẫn phải trả tiền vay nhưng hiệu quả cuối cùng xử lý nước thải lại không cao.

Không phải ngẫu nhiên mà nước sạch và vệ sinh môi trường lại trở thành một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các đô thị.

ban-sao-cua-da-dang-sinh-hoc-1-1-.png

Ông Nguyễn Việt Anh: Nếu phải nói về một địa phương làm tốt trong thu gom, xử lý nước thải, TP Hồ Chí Minh có ví dụ về dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Từ con kênh “chết” vì ô nhiễm mà nay đã có cá quay trở lại. Bình Dương cũng làm tốt với các dự án thu gom, xử lý nước thải đồng bộ không chỉ riêng thành phố Thủ Dầu Một mà còn cho các đô thị khác. Đắk Lắk có thành phố Buôn Mê Thuột đã thu gom, xử lý nước thải đô thị trung tâm rất tốt. Cả Buôn Mê Thuột và Bình Dương thành công vì họ không chỉ xây nhà máy xử lý nước thải, mà đã làm tốt cả việc xây dựng các tuyến cống thu gom, cũng như quan trọng đến việc đấu nối nước thải từng hộ gia đình vào cống.

Theo tôi, giải pháp luôn sẵn có, nhưng cần có sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương và người dân, tránh tình trạng “tư duy nhiệm kỳ” hay “đánh trống bỏ dùi”. Vấn đề thu gom, xử lý nước thải cần được giải quyết một cách đồng bộ, từ đấu nối hộ gia đình đến mạng lưới thu gom, trạm xử lý, và hướng cả tới tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, thu hồi các chất có ích từ bùn cặn nữa. Nếu nguồn lực hạn chế thì có thể làm từng khu vực, nhưng phải đồng bộ, và phải làm tốt từ khâu quy hoạch đến thực thi, đảm bảo nguồn lực đủ cho cả vận hành và bảo dưỡng hệ thống.

2(1).png

Ông Nguyễn Việt Anh: Theo tôi, chúng ta không nên suy nghĩ như vậy. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, người dân các nước đang phát triển có khả năng chi trả cho dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nếu các chi phí này không quá 3% thu nhập. Vấn đề là nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo hoạt động thu gom, xử lý nước thải trong các đô thị. Lấy ví dụ, có người sẵn sàng chi tiền mạng internet, truyền hình, cước điện thoại một tháng 100 – 500 nghìn đồng, trong khi tiền cho dịch vụ thiết yếu là nước, rác chỉ có vài chục nghìn nhưng lại kêu ca. Cũng cần nói thêm, với các đối tượng khó khăn như vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách, luôn chúng ta luôn có những chính sách bù giá chéo để hỗ trợ.

HIện nay, Việt Nam là một trong những nước có giá nước thấp nhất thế giới. Ở các nước phát triển, giá 1m3 nước cấp cho sinh hoạt khoảng 2 USD, giá dịch vụ thu gom, xử lý nước thải khoảng 2,5 USD, tổng cộng 4,5 USD, tương đương khoảng 150 nghìn đồng, chưa tính tới chi phí thoát nước mưa, chống ngập. Tại Việt Nam, mỗi m3 nước sinh hoạt chỉ 8 – 10 nghìn đồng, trong đó, 10% dành cho dịch vụ thu gom, xử lý nước thải. Trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải ở các nước cơ bản giống nhau, thiết bị hầu hết nhập ngoại. Sản xuất 1m3 nước hay thu gom, xử lý 1m3 nước thải cần 0,3 – 0,8 kWh điện, và giá điện của Việt Nam cũng không rẻ hơn nhiều so với các nước (thủy điện hạn chế, than, dầu sản xuất điện hay công nghệ năng lượng tái tạo đều nhập khẩu). Định giá tài nguyên nước chưa đầy đủ, chưa đúng với giá trị thực, trong khi tài nguyên nước ở Việt Nam không dồi dào, cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá nước và giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải ở Việt Nam còn thấp.

box-2.png

Thực trạng trên dẫn đến việc chính quyền đô thị phải bù từ ngân sách, và chỉ đủ trang trải cho duy trì ở mức tối thiếu các hoạt động thu gom, xử lý nước thải, cùng với hoạt động tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập, trong khi ngân sách hạn chế, lại cần cho nhiều nhu cầu quan trọng khác. Giá dịch vụ thấp dẫn đến không thu hút được nguồn vốn tư nhân bởi vì đầu tư chắc chắn lỗ hoặc rất lâu mới hoàn vốn. Theo tôi, nước cấp hay thu gom, xử lý nước thải đều là dịch vụ. Cần tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” và có lộ trình tăng giá phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến người sử dụng nước có ý thức tiết kiệm tài nguyên nước hơn.

Hiện nay, một số địa phương như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Bắc Ninh... đã tăng giá dịch vụ thu gom, xử lý nước thải trong hóa đơn tiền nước lên 15, 18, 20% và dần lên 25%. Đây là cách làm đúng và cần được nhân rộng. Bài toán cân bằng chi phí không khó nếu có sự bàn bạc, thống nhất trong hội đồng nhân dân, có khảo sát điều tra xã hội nhu cầu cụ thể, có phương án bù giá chéo hỗ trợ, và quan trọng là khi người dân thấy điều kiện sức khỏe, vệ sinh môi trường đô thị được cải thiện.

3(1).png
bo-1.png

Ông Nguyễn Việt Anh: Chủ trương và luật pháp về vấn đề này đều đã có. Theo tôi, có 3 việc cần làm. Thứ nhất, để thu gom nước thải triệt để, Chính phủ cần có mệnh lệnh quyết liệt hơn để chính quyền đô thị coi thu gom, xử lý nước thải là nhiệm vụ ưu tiên. Cần sớm ban hành Luật Cấp thoát nước, xây dựng cơ chế PPP cụ thể để cho phép huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này, phát hành trái phiếu hay ưu tiên ngân sách cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị nói chung và thu gom, xử lý nước thải nói riêng. Song song với làm quy hoạch tốt, quyết liệt đầu tư, vận hành hệ thống xử lý một cách đồng bộ, các đô thị cũng cần có lộ trình tăng giá nước, giá dịch vụ thu gom, xử lý nước thải (dễ nhất là thu qua đồng hồ nước và tính theo tỷ lệ%). Hiểu rõ được lợi ích “1 vốn 4 lời” từ việc đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải, như ta đã trao đổi ở trên, là quan trọng để có được sự quan tâm và những hành động ưu tiên cho lĩnh vực này.

Thứ hai là sử dụng công cụ tài chính và pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải như hỗ trợ về thuế, hỗ trợ kỹ thuật khi phê duyệt hồ sơ về môi trường, ưu tiên sử dụng đất cho đầu tư, sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về tái sử dụng nước thải... Cần đánh giá đúng được chuỗi giá trị của nước trong chu trình tổng thể, từ đó mới thực thi được kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực này một cách hiệu quả và bền vững.

Thứ ba, cơ quan chức năng cần ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến thông qua các kênh thông tin truyền thông, giúp doanh nghiệp tiếp cận các mô hình và giải pháp công nghệ phù hợp.

ban-sao-cua-da-dang-sinh-hoc-2-(1).png

Khánh Ly (thực hiện)

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu gom, xử lý nước thải triệt để - "Một vốn bốn lời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO