Sức khỏe

Kiểm soát đồ uống có đường, giảm gánh nặng về sức khoẻ

Ngọc Châu - Quyết Thắng 05/04/2024 - 14:07

Ngày 5/4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, cùng với đó là áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thức uống này nhằm kiểm soát và giảm gánh nặng về sức khỏe đối với người tiêu dùng.

d57eddf295113a4f6300.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do, chúng có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Số liệu của WHO chỉ rõ, ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần và tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.

capture.png

Phân tích về các nguy cơ khi tiêu thụ thường xuyên và quá nhiều đồ uống có đường, PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, người tiêu dùng sẽ không chỉ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì hay đái tháo đường type 2 mà còn phải đối mặt với các hệ lụy khác không hề “ngọt” như hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, bị ảnh hưởng hệ xương răng, bệnh lý thận, tiết niệu, nguy cơ tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ…

d006fa8cb46f1b31427e.jpg
PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích về các nguy cơ khi tiêu thụ thường xuyên và quá nhiều đồ uống có đường
picture2.png

Đưa ra các dẫn chứng cụ thể về những gánh nặng về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam vài năm trở lại đây, PGS.TS. Trương Tuyết Mai phân tích: Theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng so sánh giữa năm 2010 và năm 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể cả ở lứa tuổi trẻ em lẫn người trưởng thành. Tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hoá, tim mạch cũng đang gia tăng khi năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Với những dẫn chứng trên, PGS.TS. Trương Tuyết Mai nhận định sử dụng đồ uống có đường không kiểm soát và quá thường xuyên chính là một trong những nguyên nhân khiến các tỷ lệ nguy hại về sức khỏe có xu hướng tăng nhanh thời gian gần đây.

WHO khuyến cáo lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khoẻ tương đương dưới 25 - 50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25g đường mỗi ngày với trẻ em. Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường. Trong đó, biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế.

ThS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai; nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường. Ví dụ cụ thể, ông Lâm cho biết, có hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này. Ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung. Tại Saudi Arabia đã giảm tiêu thụ 35% sau khi tăng giá ở mức 50%. Còn ở Nam Phi với mức thuế khoảng 12%, đồ uống có đường đã giảm tiêu thụ khoảng 15%.

fb979509d4ea7bb422fb.jpg
ThS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đối với đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ

Ngoài đề xuất áp dụng thuế, các chuyên gia cũng đưa ra các biện pháp khác để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường như: quy định ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống; hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên… Đặc biệt là nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng qua truyền thông đại chúng để người tiêu dùng có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn, có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát đồ uống có đường, giảm gánh nặng về sức khoẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO