Công viên địa chất - Một sản phẩm du lịch thu hút mới

08/07/2016 00:00

(TN&MT) - Trước thành công của Hà Giang, nhiều tỉnh đang có nguyện vọng tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Ngoài tiềm năng du lịch, đây cũng là mô hình giúp bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho người dân.

Công viên địa chất là mô hình giúp bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho người dân. (Ảnh: MH)
Công viên địa chất là mô hình giúp bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho người dân. (Ảnh: MH)

Nhiều sản phẩm địa chất độc đáo

Tại Việt Nam, hiện nay chúng ta mới có duy nhất một công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Từ khi thành lập và được UNESCO công nhận, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực sự góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang đặc biệt là về phát triển du lịch. Thành công của Hà Giang đã thu hút sự chú ý của nhiều tỉnh, thành.

Hiện đang có 6 tỉnh làm hồ sơ đề nghị UNESSCOO công nhận công bien địa chất toàn cầu, đó là tỉnh Quảng Ngãi với kiến tạo địa chất đảo Lý Sơn. Công viên địa chất Lý Sơn với diện tích khoảng 127km2 với số dân khoảng 66.740 người. Hiện đảo Lý Sơn và các khu vực lân cận của Quảng Ngãi đã lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Tiếp đến là Đăk Nông với Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, nơi đây được biết đến với quần thể di sản thiên nhiên phong phú, di sản địa chất núi lửa độc đáo, di sản văn hoá đặc sắc. Với dãy núi Nâm Nung hùng vĩ, sông Sêrêpốk, cao nguyên bazan Mơ Nông, hệ thống hang động núi lửa, các khu bảo tồn thiên nhiên. Nơi đây có 40 dân tộc anh em sinh sống với bề dày lịch sử, văn hoá…

Cao Bằng cũng đang xây dựng hồ sơ với thác Bản Giốc, hồ Thăng Then, đa dạng sinh học, truyền thống, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Dự thảo bao quát tối đa các giá trị di sản, bao gồm cả di sản địa chất, văn hoá, lịch sử, đa dạng sinh học, gồm hầu hết các huyện biên giới, quản lý đến đơn vị cấp huyện.

Tỉnh Gia Lai dự kiến phạm vi công viên địa chất trong hồ sơ trình UNESSCO là phần lớn huyện KBang, thị xã An Khê và một phần các huyện Măng Yang và Đăk Đoa, tổng diện tích khoảng 2500km2. CVĐC này gồm toàn bộ Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trên cao nguyên Pleiku và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Rang trên cao nguyên Kon Hà Nừng cùng phần thung lũng sông Ba chuyển tiếp giữa chúng.

Phú Yên cũng đề xuất tham gia mạng lới công viên địa chất toàn cầu với khu vực các huyện Sông Cầu, Tuy An và một phần phía tây của Thị xã Tuy Hoà, kể cả các đảo ven bờ thuộc các huyện kể trên, tổng diện tích khoảng 1.250km2, dân số khoảng 250.000 người.

Bắc Cạn cũng đang công bố nhiều giá trị địa chất độc đáo mà các nhà khoa học mới phát hiện để xây dựng Công viên địa chất toàn cầu  như đá vôi, các thành tạo lục nguyên đến cả các thành tạo magma. Các địa danh tạo nên điểm nhấn của Vườn Quốc gia Ba Bể như hồ Karst Ba Bể, dãy nón phóng vật cổ, thác Đầu Đẳng, hẻm vực karst Sông Năng, khoảng 20 hang động, hang hoá thạch.

Cần có cơ chế đặc thù?

Việc cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu năm 2010 và công nhận lại vào năm 2014 giúp ngành du lịch Hà Giang tăng trưởng vượt bậc trong các năm 2012 - 2015. Lượng du khách đến công viên địa chất tăng bình quân 20% mỗi năm. Năm 2015, địa danh này đón trên 300.000 khách du lịch, tỷ lệ khách quốc tế ngày càng tăng là hiệu quả rõ ràng nhất khi tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, khi tham gia vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cũng như phát triển nó trở thành một trong những điểm nhấn du lịch của địa phương cũng còn không ít khó khăn cần phải lường trước. Ngay tỉnh Hà Giang, một địa điểm đặc biệt hút khách du lịch cũng còn đang xin cơ chế đặc biệt, chính sách ưu đãi đặc thù trình Chính phủ phê duyệt. Cơ chế đặc thù này là  tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận về đất đai. Cụ thể, là  tỉnh muốn xin miễn tiền thuê đất 10 năm đầu cho các dự án đầu tư giai đoạn 2015 - 2020; giảm 50% tiền thuê đất 10 năm tiếp theo.

TS Nguyễn Lê Huy - Trưởng ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văncho biết: “Chúng tôi đề nghị Chính phủ cho phép ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất trong 5 năm đầu với khoản vay bồi thường giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư giai đoạn 2015-2020. Nếu năm thứ sáu trở đi chưa trả được thì sẽ chịu lãi suất bình thường. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ 50% lãi suất với khoản vay này cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 và cũng hỗ trợ trong 5 năm” .

Có thể thấy, Công viên địa chất toàn cầu là một sản phẩm du lịch mới khá hấp dẫn nhưng để đi vào phát triển ngành du lịch địa chất còn không ít khó khăn, liệu những cơ chế “trải thảm đỏ” của địa phương tham gia mạng lưới có làm ảnh hưởng tới cảnh quan địa chất? Và liệu những đầu tư theo kiểu ưu ái có đi vào “vết xe đổ” của không ít ngành kinh tế khi hiệu quả thấp và môi trường cảnh quan bị sai lệch, ảnh hưởng vì những công trình du lịch? Đây là điều mà ngay từ khi thành lập Công viên địa chất các địa phương cần phải cân nhắc, tính đến.

Minh Thư

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên địa chất - Một sản phẩm du lịch thu hút mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO