Tính đến nay, Quảng Nam đang có 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt với công suất hơn 1.726MW. Lượng điện SX bình quân hơn 6.500 triệu kWh/năm. Trong đó, 10 dự án thủy điện thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (8 công trình đã phát điện và 2 công trình đang xây dựng), 36 thủy điện vừa và nhỏ (trong đó 12 công trình đã phát điện, 3 công trình đang thực hiện đầu tư và 21 dự án đang chuẩn bị đầu tư).
Được UBND tỉnh giao thẩm định phương án chống ngập lụt vùng hạ du của các công trình thủy điện, Sở NN-PTNN tỉnh đã nhận được 17/20 hồ sơ của các nhà máy thủy điện đã hoạt động. Trong 17 hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt, có 10 hồ sơ đã được chấp thuận, 2 hồ sơ đang trình và 5 hồ sơ trong thời gian đề nghị sửa đổi bổ sung.
Theo ông Phan Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thì tồn tại của phương án ngập lụt hạ du vẫn là việc các chủ đập chưa xây dựng được phương án ứng phó nếu vỡ đập. “Tình huống vỡ đập hội tụ các yếu tố bất lợi trong khi vận hành. Ví dụ hồ đang bình thường, mưa bình thường nhưng gặp sự cố về cửa van dẫn đến vỡ đập. Không hẳn phải mưa lớn mới vỡ đập. hầu hết các chủ đập đang lúng túng trong việc xác định các yếu tố bất lợi dẫn đến vỡ đập”, ông Tý cho biết.
Trước vướng mắc này, trong tháng 7/2018, Sở NN-PTNT, Sở TN-MT cùng các chủ đập đã tiến hành họp bàn, đưa ra những tình huống bất lợi cho các chủ đập nắm được để xây dựng phương án. Đây là lý do khiến 5 hồ chứa còn lại chưa hoàn thành được phương án ngập lụt. Dự kiến đến hết ngày 31/8, các phương án ngập lụt hạ du của 5 hồ chứa thủy điện còn lại sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Một giải pháp hữu hiệu được các ngành chức năng triển khai, xây dựng, đó là việc gắn chuông cảnh báo an toàn hồ đập ở tất cả các dự án thủy điện. Đồng thời, kích hoạt hệ thống tin nhắn khi có thông tin về thiên tai, cảnh báo mất an toàn thì văn phòng phòng chống lụt bão sẽ chủ động nhắn tin đến lãnh đạo tỉnh, huyện, cũng như người dân.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, gần đây tỉnh đã quản lý tương đối tốt, điều chỉnh hợp lý vấn đề an toàn đập. Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan mà phải thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa mùa mưa lũ.
Qua nắm bắt thực tế, ông Thanh yêu cầu các ngành khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án đã được phê duyệt và chưa được phê duyệt về vận hành phòng chống bão lũ đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho vùng hạ du. Phải tính toán phương án xấu nhất khi xảy ra sự cố, đặc biệt là phương án vỡ đập để có kịch bản cần thiết.
“Các chủ hồ đập, thủy điện khẩn trương thuê đơn vị tư vấn đánh giá lưu vực hồ, đặc điểm thời tiết, khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ từ đó xác định cần phải lắp đặt bao nhiêu trạm đo cho phù hợp. Mục đích cuối cùng là vừa đảm bảo an toàn cho chính hồ đó, vừa cung cấp thông tin chính xác trong mùa lũ cho Văn phòng chỉ huy Phòng chống thiên tai làm căn cứ ra quyết định vận hành”, ông Thanh nhấn mạnh.
Việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo ở hạ du, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị kiểm tra lại mạng lưới lắp đặt, hệ thống thiết bị đảm bảo vận hành tốt, không để xảy ra sự cố trong mọi tình huống. Việc này phải lấy ý kiến cộng đồng, chính quyền cơ sở nơi lắp đặt hệ thống cảnh báo. “Trong trường hợp kiểm tra lại mà thấy hệ thống, trang thiết bị chưa ổn thì phải yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện khắc phục ngay”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo. |