Xây dựng bộ giống mới giúp nâng cao giá trị cây chè Việt Nam
(TN&MT) - Chè có thể xem là loại cây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế quan trọng của nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, việc chọn tạo ra các giống chè mới có thể phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau đã giúp vùng trồng chè sản xuất của Việt Nam không chỉ tập trung ở phía Bắc, mà đã mở rộng tới vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) là cơ quan nghiên cứu, phát triển giống chè mới duy nhất trên cả nước. Đến nay, diện tích chè giống mới đạt hơn 60% diện tích chè toàn quốc, chủ yếu sử dụng các giống do nhiều thế hệ cán bộ Viện nghiên cứu lai tạo thành công.
Bước đệm mở rộng diện tích vùng sản xuất
Nếu Thái Nguyên là thủ phủ chè xanh, thì Phú Thọ có thể xem như “cái nôi” của ngành chè và là trung tâm phát triển các giống chè mới cho đất nước. Tại đây, người Pháp thành lập Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp từ năm 1891, tiền thân của Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc ngày nay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Việt Nam có hai giống chè bản địa là chè Shan và chè Trung Du. Chè Shan nguyên bản là các vùng chè cổ thụ trên núi cao như Suối Giàng (Yên Bái); Cao Bồ, Thương Sơn, Hoàng Su Phì, Lũng Phìn (Hà Giang); Tủa Chùa (Điện Biên)... Hiện những rừng chè Shan Tuyết hàng trăm năm tuổi vẫn cho sản phẩm có nhiều đặc tính quý và là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất chè sạch, chè đặc sản, cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao. Còn chè Trung Du giống cũ có lợi thế phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam và sức sống cao.
Hai giống chè này thường được chọn là bố mẹ trong các tổ hợp lai tạo có tỷ lệ thành công cao, con lai được tạo ra có nhiều đặc tính quý, trở thành các giống chè mới thay thế dần những giống chè cũ năng suất và chất lượng thấp. Nhờ vậy, cùng với các địa phương vốn có thế mạnh truyền thống về chè, một số tỉnh phát triển mạnh về diện tích trồng mới có Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An… Ngành chè đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp họ xóa nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình và cả góp phần to lớn trong việc cải thiện kinh tế ở nhiều địa phương.
Theo Hiệp hội chè Việt Nam, tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.
Trong khuôn viên NOMAFSI dành tới trên 25 ha đất để trồng khảo nghiệm, hoàn thiện các quy trình canh tác, xây dựng mô hình trình diễn các giống mới, cho thấy vị thế quan trọng của cây chè trong hoạt động nghiên cứu của Viện. Giới thiệu đồi chè giống LCT1 được tạo ra từ (lai hữu tĩnh giữa bố là giống chè shan Cù Dề Phùng với mẹ là giống chè Trung Du) TS Hồng Lam cho biết, đây là giống chè tốt để làm chè xanh truyền thống. Búp chè sau chế biến thành trà cho ngoại hình đẹp, vị chát đậm dịu và hậu ngọt, thơm hương cốm nên rất được ưa chuộng. Phần lớn diện tích chè tại Thái Nguyên đang sử dụng giống chè mới thay cho giống Trung Du nguyên bản. Đặc biệt, dù trồng ở vùng đất nào thì cây chè cũng đều giữ được vị ngậy như trồng tại Thái Nguyên, nhất là chè vụ Xuân.
Bên cạnh giống Trung Du, các giống có nguồn gốc chè Shan như PH12, PH14, TC4... phù hợp chế biến chè đen cao cấp, Hồng trà hay trà Phổ Nhĩ. Lấy ví dụ giống PH14, TS Hồng Lam cho biết, cây chè mẹ được lựa chọn tại vùng chè Shan cổ thụ ở thôn Bó Đướt, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 2001. Chị cũng là một trong những cán bộ nghiên cứu tham gia di thực cây chè từ vùng chè nguyên bản trên núi cao Hà Giang về trồng thử nghiệm ở trung du.
Điều khiến các cán bộ Viện vui mừng nhất là sau khi nhân giống, cây chè vẫn giữ nguyên được đặc trưng hình thái và nội chất tannin trên 30% của cây chè nguyên bản. Đặc biệt, lớp lông tuyết trắng đặc trưng vẫn dày và dài, rất phù hợp để làm Bạch trà và Ngân kim cao cấp. Cùng với chất lượng tốt, giống PH14 cho năng suất cao (20 – 30 tấn/ha) nên rất có triển vọng làm trà thương phẩm. Hiện nay, nhiều tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên đã đưa vào sản xuất đại trà, xây dựng thương hiệu chè đặc sản, chè hữu cơ cho địa phương.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các giống chè mới vẫn cho năng suất và chất lượng ổn định. Lấy ví dụ ngay trong mùa vụ năm 2023, vụ hè do nắng, hạn bất thường nên năng suất chè giảm. Đến vụ đông, thời tiết ấm và mưa bất thường nên cây chè “ngủ” muộn, thời gian thu hoạch chè kéo dài đến giữa tháng 12 thay vì cuối tháng 11 như mọi năm. “Loại cây này đặc biệt như vậy. Nếu gặp thời tiết không thuận hoặc sâu bệnh khiến năng suất suy giảm, thì vụ sau sẽ trả lại cho người trồng một lứa chè tốt hơn” – TS Hồng Lam cho biết.
Đa dạng hóa sản phẩm chè Việt
Nhờ giống chè tốt, cơ cấu sản phẩm chè cũng thay đổi lớn. Từ chỗ chỉ có 2 - 3 dòng sản phẩm đơn điệu, đến nay, Việt Nam đã sản xuất rất nhiều loại như chè đen, chè xanh thơm, chè Olong, chè Phổ Nhĩ ép bánh, hồng trà, bạch trà… có giá trị cao gấp nhiều lần chè xanh truyền thống.
LCT1 hay PH14 chỉ là hai trong 10 giống chè mới do Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc chọn tạo trong giai đoạn 2019 – 2023. Đây là kết quả từ các đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống chè xanh năng suất, chất lượng cao cho một số vùng chè chính của Việt Nam” và “ Nghiên cứu chọn tạo giống chè có năng suất, chất lượng cao cho sản xuất chè đen phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.
Các giống định hướng chính cho sản phẩm chè đen gồm PH276, PH22, với năng suất và chất lượng vượt trội hơn giống phổ biến chế biến chè đen hiện nay (như PH1, LDP2).
Nhóm giống cho chế biến chè xanh đặc sản, PH14, LP18, TC4, LCT1, PH21, Hương Bắc Sơn, VN15 với nội chất tốt. Đặc biệt, giống chè VN15 có chất lượng rất tốt, chế biến được một số sản phẩm chè xanh chất lượng cao như chè xanh dạng Mao Tiêm, Bích Loa Xuân. Giống đã được phổ biến tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La. Hay giống Hương Bắc Sơn có hương thơm ngát đặc trưng, phù hợp chế biến chè xanh thơm, chè Ôlong và đã được trồng tại Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh, Lai Châu. Viện cũng đã mang giống chè này vào các tỉnh Kom Tum, Lâm Đồng trồng thử nghiệm.
Với các nhà khoa học, để có sản phẩm chè tốt phải chè giống chè phù hợp cho công nghệ chế biến, đánh giá chất lượng thử nếm cảm quan 4 chỉ tiêu: ngoại hình sản phẩm, màu nước, mùi hương và vị. Mỗi giống chè đều có thể chế biến thành nhiều loại khác nhau, nhưng nhờ nghiên cứu sâu và thay đổi nội chất về tannin (độ chát), tỷ lệ chợp chất hữu cơ axit amin và hàm lượng đường… các nhà khoa học có thể biết giống chè nào phù hợp với quy trình chế biến nào để cho ra sản phẩm chè ngon, phù hợp với thị hiếu phổ thông cũng như xuất khẩu.
Nhiều giống chè có thể đồng thời chế biến chè xanh và chè đen. Giá trị chè qua chế biến có thể gấp 5 - 10 lần chè xanh thường, mang lại hiệu quả kinh tế lớn trên đơn vị sản phẩm. Quan trọng nhất, các giống mới có thể phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu khác nhau. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đều tăng cao, việc mở rộng các vùng chè nguyên liệu đem đến cơ hội phát triển kinh tế, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng cho các địa phương, đồng thời, trở thành cây xóa đói giảm nghèo ổn định của người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%.
Trong khi đó, trên thế giới cơ cấu giống chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2%; giống cho chế biến chè Ô long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Lam, do là cây công nghiệp dài ngày, các giống chè mới thực chất là kết quả nghiên cứu, chọn tạo qua hàng chục năm. Nếu thuận lợi, cần ít nhất 12 năm mới có thể công bố chính thức một giống chè mới và đưa vào sản xuất. Không thiếu những giống chè có tuổi đời từ 20 – 30 năm. Đơn cử các giống mới đưa ra, giống LP18 được thu thập từ năm 1998, các giống PH12, PH14 được thu thập từ năm 2001... Thực chất, đây là kết quả kế thừa từ quá trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ của của các thế hệ nhà khoa học giai đoạn trước.
Để nâng cao giá trị trị trong sản xuất chè, vấn đề hiện nay là xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị từ trồng, thâm canh và chế biến các sản phẩm từ các giống chè mới tại các vùng trồng chính. Cùng với khu khảo nghiệm giống, Viện có hơn 80 ha trồng chè thương phẩm tại xã Phú Hộ, Tiên Phú, Trung Giáp (tỉnh Phú Thọ) và có riêng 2 cơ sở sản xuất, nghiên cứu chế biến sản phẩm mới. Đây là điều kiện giúp Viện nghiên cứu đồng bộ từ khâu nhân giống và thử nghiệm các quy trình canh tác trên quy mô lớn, sát với thực tiễn sản xuất chè thương phẩm, cũng như thử nghiệm các quy trình chế biến phù hợp với đặc tính từng giống chè. Điều này cũng lý giải thực tiễn các giống chè mới của Viện đều được chuyển giao thành công tới địa phương.
Cùng với quy trình chế biến chè đen, năm vừa qua, Viện đã đưa ra 3 quy trình chế biến hoàn thiện cho chè Ôlong, chè Matcha và chè xanh đặc sản, nhằm phổ biến tới người làm chè cả nước kỹ thuật tạo ra phẩm chè mang hương vị tự nhiên nhất. Chỉ cần đảm bảo đúng quy trình, không cho thêm chất phụ gia nào cũng có thể làm búp chè lên hương, dậy vị đặc trưng. Từ đó, góp phần xây dựng các thương hiệu chè Việt vươn tầm quốc tế.
Với vai trò cơ quan nghiên cứu, phát triển giống chè mới duy nhất trên cả nước, trong giai đoạn tới, Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống chè mới ứng phó với biến đổi khí hậu và giống chè có hàm lượng dược liệu cao; nghiên cứu kỹ thuật truyền thống nhằm thúc đẩy sản xuất chè hữu cơ, đạt được cân bằng hệ sinh thái tạo ra sản phẩm hữu cơ, cũng như chế biến sâu đạt chất lượng hữu cơ.
Xây dựng quảng bá thương hiệu, văn hoá chè Việt Nam. Tăng cường giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển giao các quy trình công nghệ cho sản xuất.
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, riêng với cây chè, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Chiến lược cũng định hướng cơ cấu lại các vùng sản xuất chè an toàn. Theo đó, vùng có độ cao dưới 500 m so với mực nước biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, tập trung ở các vùng trung du và núi thấp.
Vùng có độ cao từ 500 m đến dưới 800 m, định hướng phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh và chè đen cao cấp.
Vùng có độ cao trên 800 m và một số vùng chè đặc sản như ở Thái Nguyên; chè Shan tuyết Hà Giang, Yên Bái định hướng phát triển sản xuất chè xanh chất lượng cao, chè Olong...