Cần sớm sửa chữa cầu treo Nậm Xe

20/03/2014 00:00

(TN&MT) - Do được xây dựng lâu năm lại ít được trùng tu bảo dưỡng nên cây cầu treo Nậm Xe hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người đi qua.

   
(TN&MT) - Cây cầu treo Nậm Xe là tuyến huyết mạch của bà con nhân dân bản Nậm Xe với trung tâm xã Nậm Xe  và cũng là tuyến đường nối 2 xã Nậm Xe - Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu). Do đã được xây dựng lâu năm lại ít được trùng tu bảo dưỡng nên đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người đi qua.
   
Cây cầu mục nát
   
  Trong chuyến công tác tại xã Nậm Xe (Phong Thổ) chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ người dân về tình trạng mục nát của cây cầu treo Nậm Xe. Đây là cây cầu quan trọng, nằm trên con đường mang tính chất huyết mạch nối giữa 2 xã và giữa bản Nậm Xe với phần còn lại của xã Nậm Xe nên sự xuống cấp của cây cầu đang là vấn đề người dân rất lo ngại.
   
Anh Tèn Văn Vinh (bản Nậm Xe) phải choãi chân, từ từ “bơi” qua cầu treo Nậm Xe
    
   
  Cầu treo Nậm Xe được xây dựng từ rất lâu. Đến nay, ngay cả người dân trong xã cũng ít người nhớ được chính xác thời điểm thi công cây cầu này. Theo một số nguồn tin cho hay, cây cầu này đã được xây dựng từ ít nhất là năm 1991. Từ ngày xây dựng đến nay đã hơn 20 năm nhưng do kinh phí hạn hẹp nên cầu mởi chỉ được nhà nước tu bổ, sửa chữa 6 lần (theo ý thông tin từ người dân). 6 lần sửa chữa trong thời gian 20 năm chẳng thấm vào đâu so với nắng mưa dãi dầm mà cây cầu hàng ngày phải “trơ gan cùng tuế nguyệt” thế nên đa số thời gian tồn tại của cây cầu là ở tình trạng hỏng, chờ sửa chữa. Vì là tuyến huyết mạch nên cầu hỏng thì người dân lại phải sửa. Tuy nhiên những cành cây, ống nứa mà bà con “dập” tạm vào lỗ hổng ở sàn cầu thay cho ván sàn cũng chẳng lấy gì làm kiên cố. Cứ một thời gian là cành gẫy, cây dập nên sàn cầu lại hở ra những khoảng trống toang hoác, lởm chởm đá, như thể miệng quái thú đang ngoác ra đón lấy những gì sa xuống.
   
Những thanh gỗ đã mục nát trên cầu treo Nậm Xe
    
   
  Cầu treo Nậm Xe có kết cấu 2 cáp treo và 2 cáp đỡ, chịu lực. Ván sàn được lát ngang trên những thanh xà dọc. Cấu kiện gánh chịu lực chính là hệ thống dầm ngang được neo với sợi cáp trên bằng những thanh thép. Qua thời gian, những cấu kiện, thiết bị bằng kim loại đã bắt đầu có dấu hiệu rỉ xét. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất lại nằm ở hệ thống ván sàn và xà, rầm bằng gỗ. Đến nay, trên mặt cầu còn rất ít ván sàn cầu còn “trụ” được trên cầu. Đại đa số đều đã mục, nát, rơi xuống dòng Nậm Xe mất. Ván rơi thì nhân dân dùng cây, que “gia cố” làm sàn tạm được nhưng nguy hiểm nhất lại nằm ở những thanh rầm, xà bằng gỗ. Nhiều người dân cho hay những thanh xà dọc, dầm ngang này ít khi được thay thế. Do nằm ở dưới sàn cầu nên những thanh xà, dầm cầu chỉ nhận mưa chứ không nhận nắng. Nước mưa, cùng hệ thống vi sinh vật đã làm mục, nát dần những thanh gỗ này. Trực tiếp quan sát ngược từ dưới gầm cầu lên có thể nhận thấy có thanh gỗ đã rơi khỏi dây neo dọc từ cáp xuống treo lủng lẳng dưới gầm cầu. Khi những thanh rầm, xà này gẫy, sập thì dù ván sàn hay cây que của bà con tự gia cố có vững chắc đến đâu cũng đều rơi xuống dòng Nậm Xe vì không có điểm tỳ.
   
   
Lạnh người đi qua cầu treo
   
  Mặc dù không có nhiều nhưng chúng tôi cũng được gặp nhiều người dân qua cầu. Người đi bộ thì còn đỡ, những người đi xe máy thì tỏ ra vô cùng căng thẳng. Cũng chẳng khó hiểu vì trọng lượng của người, của xe cộng với trọng lượng của hàng hóa trên xe (thường là những bao ngô, bao thóc nặng trịch) cộng lại cũng ngót nghét đến hai tạ. Thế mà tình trạng cây cầu luôn ở tình trạng báo động thì căng thẳng, lo lắng cũng là chuyện nên có.
   
  Vớt những giọt mồ hôi trên cằm, trên trán, thở phào khi đi qua chiếc cầu nguy hiểm, anh Tèn Văn Vinh (bản Nậm Xe) chia sẻ: “Sợ chứ! Chẳng may một cái thì cả người cả xe “bay” xuống suối ngay. Mà anh xem, từ sàn cầu xuống đến mặt nước, mặt đá cũng phải đến 4, 5 mét chứ ít đâu. Rơi xuống nước còn đỡ chứ chẳng may vào đá thì coi như toi!” Cái chữ “toi” anh nhắc đến vừa có thái độ hài hước lại có cái âm lượng của sự gằn giọng.
   
Cầu treo Nậm Xe chụp từ dưới lên thấy cả thanh rầm bị rơi khỏi dây cáp treo
    
   
  Thấy chúng tôi tìm hiểu về cây cầu, những người dân đi qua cũng xúm lại. Họ bảo đã đề nghị, kiến nghị nhiều rồi nhưng đâu vẫn đóng đấy. Người lớn thì có khi còn tự xoay sở chứ cánh trẻ con đi học sang tận bản Vàng Thẳm (Nậm Xe) mỗi khi đi qua cầu là mỗi lần người dân trong bản phấp phỏng ngóng tin lành.
   
  Chuyện người ngã từ cầu xuống suối cũng đã có. Đó là trường hợp mẹ của anh Lý Văn Phòng (1963 - bản Mỏ) là bà Di. Ngày 8/4/1991 (?) bà Di đi lấy rau lợn về thì bị một cơn lốc mạnh lắc cầu làm cầu bị nghiêng khiến bà Di ngã xuống bãi đá dưới suối và tử vong sau đó. Mới đây tháng 12/2013 một người dân chở thóc từ bản Nậm Xe ra bán cho Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ cũng bị rơi xuống suối do ván sàn bị sập. Rất may nạn nhân rơi trúng nơi đất, cát mềm nên người không bị thương nặm còn chiếc xe thì hỏng nặng.  
   
  Chẳng khó để “hưởng” cái cảm giác hú hồn, lạnh người khi tìm hiểu về cây cầu. Khi tôi đang đứng dưới gầm cầu chụp ảnh thì một tấm ván sàn rơi vù ngay trước ống kính máy ảnh vì trên cầu có người vừa đi qua. Hết hồn, nhìn quanh mới thấy không chỉ ván sàn mà nhiều cây, que của bà con “lát” thế ván sàn cũng rơi lả tả dưới gầm cầu. Thật may trong những lần rơi đó những vụ tai nạn đáng tiếc cũng chỉ dừng ở con số 1.
   
  Đại úy Hà Đức Long - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ lo lắng: Nếu không sớm sửa chữa cây cầu treo Nậm Xe, qua thời gian, ván, gỗ càng mục nát sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho người qua cầu.
   
  Bài & ảnh: Lai Châu
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm sửa chữa cầu treo Nậm Xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO