Cần một quyết tâm cao trong chuyển đổi xanh
(TN&MT) - Tại Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 05/12, các ý kiến tham gia cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi xanh phải cần một quyết tâm cao và phối hợp mạnh mẽ từ chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho rằng, hiện nay, hầu hết các ngành chủ lực như dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Ngay cả các ngành mà đang nỗ lực thu hút đầu tư và muốn trở thành cứ địa sản xuất của thế giới như công nghệ, công nghiệp bán dẫn... thì đầu vào của nó là xi mạ cũng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
"Còn các ngành chúng ta nghĩ là sạch nhất như trồng trọt, du lịch... nếu không kiểm soát các vấn đề liên quan như vận tải, các loại thuốc hóa học, phân bón... cũng có thể gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là cần “lọc ngành”, lựa chọn ngành ít gây ô nhiễm hay là phải ràng buộc các điều kiện để doanh nghiệp áp dụng công nghệ, máy móc, các mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn để giảm phát thải” - ông Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn này, Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành, từ ngành phát thải cao chuyển sang ngành phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải. Đây cũng là cơ hội có một không hai để Việt Nam sớm bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu.
Theo TS. Trần Đình Thiên, để thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi xanh và đảm bảo quá trình tăng trưởng của nền kinh tế không bị gián đoạn, chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ và một quyết tâm cao của chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, chúng ta phải tiên quyết định hướng chọn công nghệ cao do các tập đoàn hàng đầu dẫn dắt; đẩy mạnh tiếp cận vốn chuyển đổi xanh từ các quỹ đầu tư, quỹ tài chính lớn trên thế giới. Hiện tại, hạ tầng, quỹ đất tại các địa phương đang hạn hẹp, không còn dư địa cho phát triển mới các khu công nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, chúng ta cũng phải ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong việc chuyển khu công nghiệp cũ thành khu công nghiệp sinh thái, từng bước biến thành khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh.
Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, câu chuyện kiểm soát phát triển xanh cần sự phối hợp của 3 Nhà: Nhà quản lý, Nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và Nhà đầu tư sản xuất trong KCN. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề và kêu gọi ngành nghề nào, từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của Nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất trong KCN tuân thủ và cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.