Bình Định: Công ty TNHH Tân Lập biến sông thành đường để khai thác, vận chuyển cát

31/03/2018 16:08

(TN&MT) - Sông La Tinh nằm trên địa phận thôn Bình Long và Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ ba năm qua Công ty TNHH Tân Lập địa chỉ 35 Lê Lợi, TP. Quy Nhơn cày nát, làm đường trên sông để khai thác, vận chuyển cát khiến con sông bị sạt lở nghiêm trọng, biến dạng không còn hình hài một con sông.

 

Đứng trên cầu Vạn Thiện nhìn xuống sông La Tinh là thấy con đường cát dưới sông La Tinh
Đứng trên cầu Vạn Thiện nhìn xuống sông La Tinh là thấy con đường cát dưới sông La Tinh

Đứng trên cầu Vạn Thiện nhìn xuống sông La Tinh là thấy con đường cát dưới sông. Theo đường vào thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp đi xuống dòng sông La Tinh tận mắt chứng kiến một con đường dài nằm giữa dòng sông, hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, tre bị ngã đổ, đất ven sông xâm thực vào đất nhà dân, con sông biến dạng, nham nhở không thể nhận ra con sông La Tinh thửa ban đầu vốn có.

Công ty TNHH Tân Lập làm con đường dài nằm giữa dòng sông La Tinh
Công ty TNHH Tân Lập làm con đường dài nằm giữa dòng sông La Tinh

Không chỉ có con sông bị cày xới thảm hại, mà người dân ở thôn Bình Long sống cạnh con sông La Tinh cũng chịu cảnh khổ cùng sông. Một người dân ở thôn Bình Long bức xúc phản ánh với PV Báo điện tử TN&MT: “Tôi đây mấy chục năm nay, giờ đã gần 70 tuổi mà chưa từng chứng kiến con sông bị sạt lở như vậy, hàng tre chắn sông bị đổ ngã, nước giếng trong thôn đều bị khô cạn. Tôi phải rào ven sông gần nhà mình chứ không họ khai thác vào tận sâu trong đất nhà dân thì sụt lún hết”. Người dân khác chia s: “Công ty Tân Lập khai thác gần ba năm nay. Do dân không cho đi đường trong thôn nên họ mở đường dưới sông để vào khai thác, vận chuyển cát. Họ làm cả ngày lẫn đêm, khai thác cát làm sụt lún đất nhà tôi. Trận mưa lũ năm 2017, nước vào ngập hết nhà cửa chứ trước đây chưa khai thác cát ở đây không bị sao cả”.

Công ty TNHH Tân Lập khai thác cát trên sông La Tinh
Công ty TNHH Tân Lập khai thác cát trên sông La Tinh

Sông La Tinh bị tàn phá không chỉ có Công ty TNHH Tân Lập mà chính người dân trong thôn Bình Long cũng góp phần không nhỏ. Trong thôn gần chục ngôi nhà làm bãi tập kết cát, nhiều bãi cát lớn, nhỏ, người dân chứa cát trong thời gian dài để bán và xây nhà cửa, các công trình phụ.

Sông La Tinh bị sạt lở nghiêm trọng xâm thực vào đất nhà dân thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp
Sông La Tinh bị sạt lở nghiêm trọng xâm thực vào đất nhà dân thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp

Trao đổi với PV, ông Trần Minh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho biết: “Cát người dân lấy là cát sa bồi do mưa lụt vừa qua, người dân mang về xây dựng nhà, công trình phụ nhỏ. Con đường dưới sông Công ty Tân Lập làm để xuống dưới mỏ cát mà công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác vì người dân không cho đi con đường bê tông thôn Bình Long, đường thôn nhỏ, xe trọng lớn đi qua sợ làm hư đường”.

Bãi cát lớn tại một hộ dân ở thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp
Bãi cát lớn tại một hộ dân ở thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp

UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 06 ngày 23/01/2018 cho phép Công ty TNHH Tân Lập khai thác cát làm vật liệu thông thường tại sông La Tinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Diện tích khai thác 01ha, công suất khai thác 10.191m3 cát/năm, mức sâu khai thác 1,3m so với cos địa hình ban đầu. Phương pháp khai thác lộ thiên bằng xe cơ giới kết hợp thủ công, khai thác theo hướng khơi thông dòng sông từ thượng lưu xuôi theo dòng chảy, tuyệt đối không được sử dụng máy bơm hút để khai thác cát. Đáy sông sau khi khai thác phải đảm bảo đồng đều, dốc thuận từ thượng lưu về hạ lưu để thông thoáng dòng chảy, không tạo thành các hố sâu cục bộ trên lòng sông có khả năng hình thành dòng chảy xoáy. Mục đích khai thác phục vụ công trình hạ tầng và dân sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định. Thời gian khai thác 1 năm kể từ ngày ký.

Có lẽ sau thời gian được khai thác với kiểu khai thác cày xới như hiện nay thì sông La Tinh đã thật sự trở thành con sông chết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Công ty TNHH Tân Lập biến sông thành đường để khai thác, vận chuyển cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO