Bình Định: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp bách

Mỹ Bình | 29/11/2022 19:41

Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị về công tác bảo vệ môi trường do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 28/11/2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 11 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 1.030 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 705 tấn/ngày, chiếm gần 68,5% tổng lượng rác phát sinh. Trong khi tỷ lệ thu gom rác ở khu vực đô thị đạt 82,59% thì tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nông thôn chỉ đạt gần 52,5%.

Đối với chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh mỗi ngày khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 6 tấn, chiếm tỷ lệ 81,5%. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 310 tấn/ngày; trong đó, khoảng 85% được tái sử dụng, còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt.

h5.jpg
 Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cần được thu gom và xử lý 

Về công tác quản lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp: có 5/10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Nhơn Hội A, Nhơn Hội B đều đã có hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 2.200 m3/ngày. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 47 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong đó, 11 cụm công nghiệp do tư nhân đầu tư thực hiện công tác bảo vệ môi trường đồng bộ hơn.

dsc00863.jpg
 Nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh để giảm thiểu mùi hôi ô nhiễm môi trường 

Về công tác quản lý môi trường trong hoạt động chăn nuôi: xây dựng, lắp đặt trên 53.700 công trình biogas để xử lý chất thải đối với hoạt động chăn nuôi quy mô nông hộ và hơn 60% trang trại quy mô lớn đã đầu tư các công trình xử lý chất thải bổ sung sau bể biogas. Một số cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ cao và sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.

h1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chung tay hành động. Sở Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương hoàn thiện nội dung quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt chuẩn trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, trong năm 2023, các địa phương phải xây dựng phương án quản lý CTRSH, bố trí ngân sách để thực hiện thu gom, xử lý rác thải; trong đó, chú trọng tăng tỷ lệ thu gom rác thải, tăng tần suất thu gom rác thải khu vực nông thôn với tần suất 2 ngày/ lần, khu vực đô thị 1 lần/ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các phương án quản lý, thu gom rác thải, nước thải để phối hợp với các sở, ngành liên quan định hướng giải pháp đầu tư xây dựng các bãi xử lý rác thải đạt chuẩn tại 3 vùng của tỉnh, gồm: Khu vực phía Bắc tỉnh (thị xã Hoài Nhơn là trung tâm), phía Nam tỉnh (thành phố Quy Nhơn là trung tâm) và phía Tây tỉnh (huyện Tây Sơn là trung tâm). Chú trọng thực hiện xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải; rà soát đưa vào danh mục kinh phí mua xe chuyên dụng thu gom rác trong quý I/2023 để trình HĐND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý môi trường cho lực lượng cán bộ làm công tác môi trường cấp xã trong tháng 1/2023; phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện rà soát lại công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề để có hướng xử lý.

dsc09029.jpg
 Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định xây dựng không gian xanh trên khắp các tuyến đường thị trấn Tăng Bạt Hổ 

Cùng đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương định hướng quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị. Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, thu gom rác thải vật tư nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao nhưng nếu không duy trì tốt việc thực hiện tiêu chí môi trường thì đề nghị xóa danh hiệu này.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng mức chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương phải đảm bảo kinh phí thường xuyên đầu tư, bổ sung vào danh mục đầu tư công một số dự án xử lý rác, xe thu gom rác; kiểm tra việc sử dụng ngân sách đảm bảo đúng quy định.

Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông quản lý tốt công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường về ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý môi trường. Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các tiết học ngoại khóa từ bậc tiểu học.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, các hội đoàn thể tham gia truyền thông về bảo vệ môi trường và vận động hội viên, đoàn viên thực hiện hiệu quả công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO