Bảo vệ những vùng đất dễ tổn thương
(TN&MT) - Sau nhiều thế kỷ nỗ lực với sự khéo léo của con người, nhiều vùng đất đã được mở mang, đem lại cho con người nguồn sống và nơi sinh hoạt. Những hệ sinh thái được cải tạo này chính là kho tàng văn hóa mà việc bảo vệ chúng đóng vai trò quan trọng cả về đời sống tinh thần cũng như kinh tế.
Cho đến nay, các vùng đất canh tác hiện chiếm hơn 1/3 diện tích đất trên bề mặt Trái đất và có lẽ là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất của chúng ta. Tuy nhiên, cách chúng ta sử dụng những vùng đất này, từ việc xây dựng các khu vực độc canh rộng lớn cho đến những bãi chăn thả trải dài, đang dần vắt kiệt sức sống của chúng. Hoạt động cày xới, trồng trọt quá mức và chặt phá cây cối đã làm xói mòn nguồn đất quý giá này. Cộng thêm lượng phân bón dư thừa đang gây ô nhiễm mạch nước và làm giảm chất lượng đất. Thuốc trừ sâu đang gây hại cho các loài động vật hoang dã. Hoạt động chăn thả quá mức khiến các vùng đồng cỏ rơi vào tình trạng bị xói mòn và dẫn đến sự phát triển các loài thực vật xâm lấn.
Khu vực vùng núi chiếm khoảng 1/4 diện tích đất liền trên Trái đất, nơi có hầu hết các điểm nóng đa dạng sinh học và ước tính cung cấp nguồn nước ngọt cho một nửa nhân loại. Hiện diện trên khắp mọi lục địa, khu vực vùng núi có vô số hệ sinh thái với rất nhiều loài sinh vật độc đáo. Đây cũng là mái nhà chung cho sự đa dạng văn hóa giữa các dân tộc có thể thích nghi để sinh sống tại những khu vực núi cao.
Các vùng núi đặc biệt nhạy cảm với sự suy thoái gây ra bởi sức ép từ con người và hiện tượng biến đổi khí hậu. Đối với các sườn dốc đứng, hoạt động phá rừng để canh tác, định cư hoặc phát triển cơ sở hạ tầng có thể gây ra tình trạng xói mòn đất nghiêm trọng cũng như phá hủy môi trường sống. Hiện tượng xói mòn và ô nhiễm sẽ làm tổn hại đến chất lượng nước chảy xuống vùng hạ lưu. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến khối lượng nước và thời gian cấp nước cho các trang trại, thành phố, ngành công nghiệp và các nhà máy điện. Nhiệt độ tăng nhanh đang buộc các loài sinh vật và hệ sinh thái trên núi, cũng như những người sống phụ thuộc vào chúng phải tìm cách thích nghi hoặc di cư.
Các nhà khoa học đang giúp cộng đồng nông thôn khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp bằng cách sử dụng giải pháp tự nhiên để tăng năng suất canh tác. Một số nông dân đang giảm diện tích đất canh tác và sử dụng nhiều loại phân bón tự nhiên và kiểm soát sâu bệnh gây hại. Việc trồng xen kẽ nhiều loại cây trồng khác nhau, bao gồm cả cây thân gỗ, có thể giúp khôi phục sự đa dạng sinh học và mang đến chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng hơn. Khi được quản lý cẩn thận, những đàn gia súc nhỏ thực sự có thể giúp tăng thu nhập. Tất cả các bước hành động này có thể giúp hồi sinh nguồn đất, tái phát triển các vùng dự trữ carbon hữu cơ và vi sinh vật ngậm nước cũng như duy trì độ phì nhiêu tự nhiên của đất.
Công tác khôi phục hệ sinh thái vùng núi cần phải cân nhắc tới toàn bộ cảnh quan. Các giải pháp bảo vệ thiên nhiên bao gồm tăng độ che phủ rừng để có thể bảo tồn đất, bảo vệ dòng nước và phòng tránh các thiên tai như tuyết lở, sạt lở đất và lũ lụt. Cần quy hoạch cơ sở hạ tầng như đê đập và đường sá nhằm tránh tình trạng phân mảnh các con sông và những môi trường sống khác. Các kỹ thuật canh tác như nông lâm kết hợp có thể mang lại tính thích nghi cao hơn trước tình hình biến đổi của thời tiết. Kiến thức bản địa có thể là một nguồn lực quan trọng giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.
Những vùng đất dễ bị tổn thương ngày một lan rộng bất chấp sự nỗ lực không mệt mỏi của con người. Nhu cầu phát triển của con người và sự sinh tồn của muôn loài đang có những đối chọi cần phải giải quyết, mà ở đó chúng ta đang lúng túng, phải giải quyết hậu quả do chính mình gây ra.