Xã hội

Bài toán về mở rộng vùng nguyên liệu "cây giảm nghèo"

Thanh Tâm 15/11/2023 - 18:17

Từng được kỳ vọng là "cây giảm nghèo" của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhưng thời gian vừa qua nhiều hộ ồ ạt chặt bỏ cây gai xanh, thu hẹp vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Trước thực trạng trên PV Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa để làm rõ hơn về nguyên nhân, thực trạng và giải pháp để lấy lại vị thế của cây trồng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

PV: Thưa ông, Đề án phát triển vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh được triển khai từ khi nào, mục tiêu cụ thể là gì?

Ông Vũ Quang Trung:

Ngày 24/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

a1.jpg
Người dân không còn mặn mà với cây gai xanh

Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định mở rộng phạm vi đề án thêm 6 huyện, gồm: Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh và Mường Lát.

Cây gai xanh từng được kỳ vọng là cây trồng thay thế, cho năng suất cao hơn nhiều loại cây khác như: sắn, mía, ngô.. những năm trước đã giúp nhiều hộ dân ở các huyện miền núi có kinh tế khá giả.

Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt các địa phương đã tập trung triển khai khảo nghiệm, đánh giá và xây dựng các kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ nhà máy.

PV: Xin ông cho biết thực trạng phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh?

Ông Vũ Quang Trung:

Cuối năm 2022 diện tích cây gai xanh toàn tỉnh là 930ha, tại 18 huyện. Năm 2023 toàn tỉnh trồng mới được 12ha. Theo số liệu thống kê, có 161ha cây gai bị chặt bỏ, chủ yếu là cây gai xanh mới trồng.

Trong giai đoạn 2018-2021, việc trồng cây gai xanh mang lại hiệu quả cao. Công tác thanh quyết toán của doanh nghiệp trong giai đoạn này đảm bảo.

Từ năm 2021, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương và Nhà máy sản xuất sợi dệt đẩy nhanh tiến độ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây gai xanh.

Trong các năm 2018, 2019, 2020, 2021 cây gai xanh cho thu hoạch, có hiệu quả cao, lợi nhuận đạt từ 30-90 triệu/ha/năm. Hiệu quả cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác vào thời điểm đó.

a3.jpg
Sợi gai thu hoạch tốn rất nhiều công lao động nhưng bị tồn đọng không thu mua

Nửa cuối năm 2022, theo lý giải từ phía doanh nghiệp, ngành dệt may thế giới suy giảm; khủng hoảng kinh tế; đại dịch Covid-19 nên khả năng thu mua nguyên liệu không đảm bảo, công tác thanh khoản gặp khó khăn. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cơ cấu trúc, tìm đối tác liên kết và thị trường mới.

PV: Trước thực trạng người dân nhiều huyện ồ ạt chặt bỏ cây gai xanh, thu hẹp vùng nguyên liệu theo đề án của tỉnh, với chức năng là đơn vị tham mưu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đề xuất những giải pháp gì thưa ông?

Ông Vũ Quang Trung:

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT làm việc với các huyện, doanh nghiệp. Năm 2023, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có chỉ đạo, định hướng hạn chế mở rộng, không giao kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tập trung thâm canh diện tích gai đã trồng, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Về vấn đề chậm chi trả tiền cũng như không thu mua kịp thời sản phẩm gai xanh cho bà con, ngày 31/10, đại diện Sở NN&PTNT làm việc với huyện Cẩm Thủy và doanh nghiệp để giải quyết.

a2.jpg
Việc bảo quản sợi gai tồn động rất khó, dễ hư hỏng

Tại một số địa phương, diện tích gai người dân chặt bỏ chủ yếu là mới trồng chưa có thu hoạch để chuyển sang cây trồng khác.

Đối với Sở NN và PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình người dân chặt bỏ cây gai xanh ở các huyện để báo cáo UBND tỉnh có giải pháp kịp thời. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải tìm nguồn thanh toán dứt điểm tiền còn nợ người dân.

Sau khi Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước kiện toàn nhân sự, xây dựng kế hoạch năm 2024 phải xác định rõ vùng nguyên liệu. Đồng thời, cần tổ chức hội nghị để thống nhất quy hoạch phát triển, xây dựng phương thức tổ chức sản xuất gắn với liên kết sản xuất.

Quan điểm của Sở NN&PTNT tham mưu cho tỉnh: Phát triển vùng nguyên liệu phải phù hợp với công suất chế biến. Nhà máy cần hơn 6 nghìn ha nguyên liệu nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều đơn hàng. Khâu sản xuất chưa đồng bộ, còn thủ công, ví dụ công đoạn phân loại, thu hoạch sợi gai đang tốn nhiều công lao động.

Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh dựa trên lợi ích của nhân dân Thanh Hóa, tạo ra phương thức tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn, giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng, có thu nhập ổn định; tỉnh chỉ khuyến khích phát triển sản phẩm khi có hiệu quả cao. Khi triển khai đề án trồng cây gai xanh, tính toán lợi nhuận, đây được kỳ vọng là "cây giảm nghèo" cho các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Việc nông dân trồng sau đó thu hoạch kém hiệu quả rồi chuyển đổi là theo tín hiệu của thị trường, tính hiệu quả.

Cần xây dựng cơ chế chính sách theo định hướng phát triển, giải quyết vấn đề bất cập, mâu thuẫn chồng chéo giữa doanh nghiệp, địa phương và nông dân trong trồng trọt, thu mua và sản xuất. Từ đó giúp người dân yên tâm chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo sinh kế bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán về mở rộng vùng nguyên liệu "cây giảm nghèo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO