Ẩn họa từ sinh vật ngoại lai: Phản ứng chậm và thiếu kiểm soát

14/02/2017 00:00

(TN&MT) - Tôm hùm gốc Bắc Mỹ là mối đe dọa lớn đối với môi trường đã bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy vậy, mới đây, nó ngang nhiên xuất hiện trong những ruộng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Sự việc này buộc chúng ta phải nhìn lại khâu quản lý các sinh vật ngoại lai gây hại.

Tôm hùm gốc Bắc Mỹ xuất hiện trong những ruộng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: MH
Tôm hùm gốc Bắc Mỹ xuất hiện trong những ruộng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: MH

Những bài học nhãn tiền

Sinh vật ngoại lai (SVNL) đang là vấn đề đáng lo ngại, không ít loài SVNL đã xâm nhập vào nước ta gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Ốc bươu vàng là một ví dụ điển hình. Được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước, loài ốc này đã nhanh chóng lan từ miền Nam ra miền Bắc, phá hại nghiêm trọng sản xuất của các địa phương. Ốc bươu vàng đã làm thay đổi “lưới thức ăn” trong hệ sinh thái và có nguy cơ lai giống với nhiều loài ốc bản địa, dẫn đến suy giảm nguồn gen và đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) đã phải viện trợ khẩn cấp 250.000 USD nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam diệt ốc bươu vàng. Cả nước phải huy động lực lượng và chi phí để diệt ốc bươu vàng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm là cây mai dương (Mimosa pigra). Chúng là loài thực vật ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Mỹ... Loài này được ghi nhận lần đầu tiên ở ĐBSCL vào khoảng năm 1979 và đến nay, cây mai dương đã xuất hiện ở khắp cả nước. Nơi nào mai dương mọc thì không cây nào có thể cạnh tranh nổi, trừ vài loài cỏ lá nhọn rất dễ cháy vào mùa khô. Ở nhiều nơi như Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Cát Tiên (Lâm Đồng) hay hồ Trị An (Đồng Nai), loài cây này đang xâm lấn nhanh và chiếm lĩnh dần các thảm thực vật tự nhiên, đe dọa sự sống của các loài chim... Cách đây hơn 3 năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương. Trên thực tế, tại Đông Nam Bộ, nhiều tỉnh đã có những phương án áp dụng để tiêu diệt như nuôi dê để ăn cây mai dương. Song, kết quả thu được là không khả quan.

Cây mai dương. Ảnh: MH
Cây mai dương. Ảnh: MH

Chưa hết, năm 2000, chuột hải ly đã được nhập khẩu nuôi thử nghiệm. Tuy vậy, đây lại là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Với khả năng sinh sản 3 lứa/năm và mỗi lứa đẻ từ 4 - 11 con, loài chuột hải ly còn mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da... gây bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến các động vật khác. Sau một thời gian, các nhà khoa học mới nhận thấy đây là loài sinh vật gây hại và Nhà nước đưa ra chính sách ngăn chặn, tiêu hủy. Tính đến cuối năm 2002, khoảng 4.000 con chuột hải ly đã bị tịch thu và tiêu hủy.

Đến năm 2014, câu chuyện nuôi gián đất tại Bắc Ninh nổi lên như một phương pháp làm giàu nhanh chóng. Mô hình nuôi gián đất được xác định là du nhập từ Trung Quốc qua cách làm ăn tự phát của người dân với các thương lái Trung Quốc. Gián đất là vật chủ trung gian truyền một số bệnh dịch về đường tiêu hóa và có tốc độ sinh trưởng cao. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi có văn bản chính thức cấm nuôi gián đất vì có nhiều nguy cơ rủi ro cho môi trường, xã hội và kinh tế.

Theo Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, hiện số lượng SVNL xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy SVNL vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề về kinh tế và môi trường.

 

Khó quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do chúng ta thiếu các quy định về phân tích nguy cơ xâm hại, phát hiện sớm và phản ứng nhanh. Điều này đã tạo ra kẽ hở khiến các loài SVNL nguy hại xâm nhập vào Việt Nam gây ra những tác động xấu về môi trường cũng như kinh tế. Tại Australia, việc quản lý SVNL được chia thành 3 giai đoạn. Ở giai đoạn trước khi nhập khẩu, các cơ quan sẽ phân tích rủi ro, nguy cơ với động vật, thực vật, hàng hóa lần đầu được nhập vào Australia để ra quyết định cho phép nhập hay không. Trong khi đó, tại Việt Nam, những quy định đối với giai đoạn trong nước còn mờ nhạt, chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhiều đối tượng cần quản lý cũng chưa được đề cập tới.

Ngoài ra, quản lý do chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ nên việc quản lý SVNL không đạt hiệu quả cao. Hiện, cả Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cùng được giao nhiệm vụ quản lý sinh vật ngoại lai. Bộ NN&PTNT được quyền nhập hay không nhập về loài ngoại lai còn Bộ TN&MT quản lý trong nước về tài nguyên trong đó có loài ngoại lai. Còn có nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất giữa 2 Bộ. Đơn cử như vụ con tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương. Bộ TN&MT đưa 2 loài này vào loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong Thông tư 22 còn Bộ NN&PTNT lại không đồng tình với quyết định này…

Cùng với đó là nhiều cán bộ quản lý cấp địa phương còn chưa hiểu một cách đầy đủ về mục đích nhập khẩu các loài SVNL xâm hại và những tác hại của chúng. Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, có khoảng hơn 60% số cán bộ trả lời sai hoặc chưa nắm được nội dung quản lý SVNL theo quy định của Luật Đa dạng sinh học; hơn 90% số cán bộ nhận định, cơ quan công tác của họ chưa đủ năng lực quản lý SVNL do chưa có cán bộ hiểu biết sâu về SVNL, chưa đủ vật chất kỹ thuật/nguồn lực tài chính chưa đáp ứng.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng thừa nhận: Mặc dù, các loài SVNL có tác hại lớn, nhưng các hạn chế trong việc nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ này lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý. Chúng ta đã gặp phải bài học đắt giá qua sự bùng phát ốc bươu vàng. Nhưng đến nay, sự du nhập nhiều loài SVNL xâm hại vẫn chưa được kiểm soát.

Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam: Trách nhiệm trong quản lý sinh vật ngoại lai không chỉ là của cơ quan Nhà nước mà còn nằm ở chính người dân. Trách nhiệm ở đây phải là toàn dân, từ người dân đến cán bộ quản lý. Đầu tiên là với dân, người dân phải ý thức, hiểu được cặn kẽ, thay vì chỉ nhìn thấy mặt tích cực mà quên mặt tiêu cực của loài sinh vật đó. Không chỉ vậy, trách nhiệm còn ở cơ quan kiểm dịch khi đưa các sinh vật này vào. Ở đây có lỗ hổng trong việc quản lý sinh vật ngoại lai khi loài tôm hùm Bắc Mỹ xuất hiện tại nước ta mà không có cơ quan quản lý.

GS. TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam: Sinh vật ngoại lai cũng có những vai trò nhất định trong việc đa dạng hóa đa dạng sinh học ở địa phương. Trong nhiều trường hợp nhất định, nơi con người đang hoạt động thiếu hay còn gọi là có khoảng trống sinh học, khi đưa loài ngoại lai vào khai thác khoảng trống đó thì không những loài ngoại lai đó không xâm hại mà còn bổ sung cho đa dạng sinh học đang bị khoảng trống (thiếu) ở địa phương đó. Ngành chăn nuôi và trồng trọt hiện phải dựa rất nhiều vào loài ngoại lai. Việt Nam làm gì có dê, khoai tây, ngô nên phải nhập từ nước ngoài về. Tuy vậy, khi du nhập các loài ngoại lai nếu không quản lý tốt, kiểm soát chặt chẽ thì không ít loài đã trở thành kẻ thù xâm hại nguy hiểm mà dù có tốn rất nhiều công sức, tiền của vẫn chưa thể tiêu diệt được.

Mai Linh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩn họa từ sinh vật ngoại lai: Phản ứng chậm và thiếu kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO