Ai đi xa mô đó

27/01/2017 00:00

(TN&MT) - “Giờ chắc ba đang bốc hàng ngoài cảng, không biết khi nào mới về quê thăm mẹ và con. Con vẫn ở trường, tháng 10 lũ về, dọc miền duyên hải mênh mông nước. Lũ chồng lũ! Trẻ con người già gom hết trong chùa trên núi, không có cái ăn, chỉ ngồi nhìn nhau thôi...” - lời tâm sự của một cô sinh viên xóm nghèo Hà Tĩnh qua bức thư gửi ba đang lao động ở nước ngoài cứ bám riết lấy tôi trong ngần ấy thời gian.

Làng Hến bên bờ sông La
Làng Hến bên bờ sông La

Xưa, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã ôm cả sông Lam gọi mãi Núi Hồng bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn. Ngày lũ chồng nóc nhà bao người nghèo khổ nơi gió lào và cát trắng này, đất nước trào nước mắt. Nước mắt về sự sẻ chia với bao kiếp người vĩnh viễn lưu đày trong lũ dữ. Nước mắt về một miền quê đầy ký ức đau thương nhưng rất đỗi hào hùng qua bao thế hệ.

Tôi được sinh ra nơi vùng “rốn lũ” này và tôi luôn tự hào rằng, quê tôi là thế, thời xưa thế, thời nay cũng thế! Âu thế, mà dù khốn dù khó, xứ Hà vẫn sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, nhân kiệt!

Với tôi, những dòng sông đã làm nên tâm hồn, tính cách của người Hà Tĩnh. Nhẹ nhàng mà phóng khoáng. Như cơ man cuộc đời, như liêu xiêu làng mạc, cứ đằng đẵng tựa lưng vào dãy Trường Sơn ngàn năm mây trắng, vẫn đi hết hành trình bất biến và bất tận. “Lòng cứ mở toang ra trước biển/ Núi dựa lưng trăm nổi gồ ghề/ Nên giọng nói không lẫn vào đâu được/ Dẫu muôn phương không quên một lối về”. Chẳng thể cắt nghĩa nổi, dù qua bao đau thương tang tóc, dù lận đận đói nghèo, dù cất công xây dựng hùng cường lại sụp đổ tàn hoang, dù trăm bề bất cập, nhưng những người con đất Hà vẫn gồng mình đứng lên, lần sau mạnh hơn lần trước, đời nọ nối tiếp đời kia.

Hơn mấy thập kỷ đi qua đằng đẵng là bức tranh mà mỗi con người Hà Tĩnh đều có phần ở đó. Với tôi, bức tranh ấy có cả sự thăng trầm, bi hùng của xã hội Trung Kỳ thời quá độ. Bao cuộc đời cần lao trong hành trình tồn sinh găm mình nơi những thửa ruộng bạc màu, những chái đồi khô cằn lấp ló nếp nhà tranh, heo hút khói lam chiều, những tấm lưng trần đen xạm lầm lũi lê bước ven triền đê trong hoàng hôn ối đỏ. Họ vẫn vươn dậy, mãnh liệt sống, dẫu rằng, ngàn đời xứ sở này vẫn đầy nắng, đầy cát và thừa gió!  

Một góc dòng sông Lam. Ảnh: MH
Một góc dòng sông Lam. Ảnh: MH

Nói đến Hà Tĩnh, người ta không thể không nói đến sự hiếu học của mảnh đất này. Trải dài theo dãy núi Trường Sơn, Trà Sơn, Hoành Sơn, Tùng Lĩnh, Hồng Lĩnh và các dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, sông Lam, nhiều vùng đất Hà Tĩnh đã trở thành địa linh. Ở đó, có những gia đình, dòng họ kế tiếp nhau tu chí học hành, rèn giũa bản lĩnh, khai thông trí tuệ và đỗ đạt cao, tiêu biểu là dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân). Nhiều đời nối nhau, dòng họ bên bờ sông Lam này đã nổi danh về văn chương khoa cử với các tên tuổi: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản… Đại thi hào Nguyễn Du sau những năm tháng gió bụi, đã gắn bó với quê hương qua những ngày đi câu cá ở biển Đông và đi săn trên núi Hồng. Ông đã sản sinh kiệt tác Truyện Kiều bất hủ đi cùng năm tháng với non sông…

Những dòng họ, gia đình, làng quê nhiều đời hiếu học và khoa bảng ở Hà Tĩnh không chỉ đóng góp lớn cho đất nước mà còn làm nên tố chất con người Hà Tĩnh, kiến tạo bản sắc văn hóa Hà Tĩnh để trao truyền cho đời sau. Qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, kể cả lúc chiến tranh tao loạn, đau thương và đói khổ, các làng khoa bảng và các gia đình, dòng họ cũng như bản thân con em Hà Tĩnh chưa bao giờ lãng quên sự học. Những lớp học sau giờ ra trận của các cô thanh niên xung phong, những lứa học sinh “đội mũ rơm đi học đường dài”. Những ngọn đèn làng học dưới hầm chữ A vẫn tỏa sáng...

Và khi đất nước thanh bình, khát vọng học tập càng thôi thúc những người con quê hương chăm lo đèn sách, chiếm lĩnh đỉnh cao. Một thế hệ mới của con em Hà Tĩnh đã làm rạng danh truyền thống đất học Hồng Lam: Trịnh Kim Chi - HCV Olympic Toán Đông Nam Á; Phan Mạnh Tân, đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia; Lê Nam Trường - HCB Toán quốc tế; Võ Anh Đức - HCV Toán quốc tế… Còn học sinh đạt giải quốc gia, thủ khoa các kỳ thi đại học trong vòng 20 năm gần đây không thể kể hết, trong đó, có rất nhiều con em hoàn cảnh khó khăn.

Chiều, trên dòng sông La mênh mang sóng nước, tôi nghe cô gái chèo đò xa xa đưa đẩy mấy ca từ: “Có con thuyền trong sương trắng/ Bồng bềnh như một cánh chim/ Có em chèo thuyền áo trắng/ Xôn xao như trốn như tìm/ Có vầng mặt trời rực sáng/ Bồi hồi như một trái tim”. Thật vậy, qua bao bất biến, đất và người Hà Tĩnh vẫn cơ man sóng nước bồi hồi.

Hông Lam

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai đi xa mô đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO