Duy trì sản xuất
Thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái đang nỗ lực "vượt bão” Covid-19.
Công ty TNHH sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) chuyên sản xuất các sản phẩm đông dược và các sản phẩm trà hòa tan, nước đóng lon được chế biến từ quả sơn tra. Mặc dù mới hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đi vào sản xuất từ cuối năm 2019, song Công ty đã sản xuất ra các loại sản phẩm từ quả sơn tra như mứt, viên kẹo C, sirô táo mèo và các loại thuốc đông dược... cung cấp ra thị trường 63 tỉnh thành trên cả nước.
Hầu hết các đơn vị doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 |
Trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất của doanh nghiệp diễn ra bình thường, nhưng do bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, việc cung cấp các sản phẩm ra thị trường gặp khó khăn bởi các sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch tại thị trường nội địa...
Trước tình hình đó, lãnh đạo Công ty đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy tìm kiếm thị trường; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trang web của Công ty và trao đổi mua bán trực tuyến... Công ty đang nỗ lực duy trì sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn cho người lao động đang làm việc tại Công ty.
Ông Bùi Thế Dũng - Giám đốc nhà máy Công ty Đông dược Thế Gia cho biết: Trước kia công ty sản xuất đa dạng mặt hàng, trong quá trình dịch bệnh một số mặt hàng không tiếp cận được khách hàng là du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, công ty sẽ đa dạng các sản phẩm và truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp tục có thể có mặt tại 63 tỉnh thành trong cả nước.
Các doanh nghiệp chủ động vượt qua khó khăn để khôi phục phát triển sản xuất |
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hùng Mạnh mới đầu là một cơ sở sản xản xuất cá thể, từ khi chuyển đổi thành công ty và đi vào hoạt động từ năm 2017, doanh nghiệp này chuyên sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn hàng ít dần, cộng với nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm nên Công ty đã đầu tư máy móc để chuyển sang sản xuất, chế biến ván bóc, trung bình mỗi tháng sản xuất được khoảng trên 100 m3/tháng; tạo việc làm cho khoảng 20 lao động.
Không chỉ doanh nghiệp ở các địa phương, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.
Tại Cty Cổ phần An Phúc, là doanh nghiệp chuyên sản xuất tấm lợp Fibro xi măng; Tấm ốp nhựa trần tường nội thất. Trước khi chưa có dịch doanh thu so cùng kỳ đạt 35 tỷ đồng. Từ khi có dịch doanh thu đã giảm 15%, còn 30 tỷ đồng. Trong đó, nhiều thị trường tiêu thụ là tại một số tỉnh có dịch bị phong tỏa ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đặng Quang Hưng - Phó Giám đốc Cty Cổ phần An Phúc chia sẻ: Khi có dịch bệnh công ty ảnh hưởng rất lớn, tại một số thị trường lớn ở các tỉnh như: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội…hầu như không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp còn chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Chủ động phòng dịch
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh dịch Covid-19, tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều chủ động phòng chống dịch.
Đồng thời, vừa đẩy mạnh sản xuất, tuyên truyền và quán triệt cán bộ công nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo đúng yêu cầu chính phủ, Bộ Y tế và của UBND tỉnh Yên Bái.
Mặc dù vẫn duy trì sản xuất bình thường, song Cty Cổ phần An Tiến Industries, tại khu Công nghiệp Phía Nam luôn cẩn trọng trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các cơ sở sản xuất chủ động trong công tác phòng chống dịch |
Ông Vũ Quang Hưng - Công nhân, Cty Cổ phần An Tiến Industries cho biết: Khi đến Nhà máy các công nhân thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách. Hàng ngày chúng tôi đều phải thực hiện việc khai báo y tế trước 23 giờ để ngày hôm sau đến làm việc.
Cùng với đó, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nhiều đơn vị doanh nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị luôn chủ động trong hoạt động sản xuất và phòng dịch.
Ông Lê Long Giang – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái cho biết: Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty bị ảnh hưởng không nhỏ, hàng hóa khó tiêu thụ.Tuy nhiên đơn vị vẫn duy trì sản xuất để anh em công nhân có việc làm và có thu nhập. Trong quá trình sản xuất công ty luôn đề cao công tác phòng chống dịch, đội ngũ công nhân thường xuyên phải khai báo y tế, trong quá trình sản xuất thực hiện việc giãn cách đảm bảo đúng quy định.
Cùng với đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về phòng chống dịch, lập kế hoạch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong doanh nghiệp của mình.
Đặc biệt, đã cử nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên cho hơn 200 công nhân tại 10 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp; thông qua khai báo thông tin về việc di chuyển, tiếp xúc với những người hoặc đi đến những vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, nhằm giúp chủ động sàng lọc và phòng ngừa dịch Covid -19.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường
Thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt vẫn duy trì hệ thống quan trắc môi trường tự động tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh.
Với hệ thống này đây là công cụ rất hữu hiệu để thực hiện việc theo dõi, quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt vẫn duy trì hệ thống quan trắc môi trường tự động tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh |
Hiện tỉnh Yên Bái mới triển khai tiếp nhận hệ thống quan trắc tự động từ 2 nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh. Hai đơn vị này liên tục truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT giúp cơ quan chức năng cập nhật liên tục các thông số như: Khói, bụi, nhiệt độ…tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, giám sát trong lĩnh vực môi trường.
Ông Hà Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng: “Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại hai nhà máy này đang hoạt động tương đối ổn định, đây là công cụ rất hữu hiệu để thực hiện việc theo dõi, quản lý giám sát của cơ quan quản lý. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cơ quan quản lý nhà nước cũng hạn chế được việc đi lại kiểm tra, tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất mà vẫn kiểm soát về vấn đề môi trường hiệu quả”.
Hiện nay, ngoài hai nhà máy xi măng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động bụi và khí thải, Sở TN&MT tiếp tục yêu cầu các đơn vị rà soát báo cáo lượng nước thải, khí thải phát sinh yêu cầu đối tượng thuộc diện phải lắp đặt thực hiện lắp đặt quan trắc tự động liên tục theo quy định.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay, song các doanh nghiệp, HTX luôn phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm.
Với tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa chủ động sản xuất do vậy mà chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đều tăng, tháng 5/2021 tăng 2,62% so với tháng trước và tăng 1,57% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 8,86% so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ như: Khai thác quặng kim loại, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất kim loại, sản xuất và phân phối điện.
|