Xã hội

Ba Chẽ (Quảng Ninh): Bảo vệ nguồn nước, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Phạm Hoạch 13/05/2024 - 15:19

(TN&MT) - Trong những năm qua, huyện miền núi Ba Chẽ đã triển khai nhiều giải pháp trồng rừng bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, cũng như tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều hồ, đập, hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống.

Tập trung đầu tư công trình nước sạch

Ba Chẽ là huyện miền núi, có tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, với nhiều hệ thống khe, suối nhỏ thuận lợi cho nhân dân được sử dụng từ nguồn nước tự nhiên. Những năm qua trên địa bàn huyện chủ yếu đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn bằng nguồn ngân sách nhà nước phục vụ nhu thiết yếu đời sống nhân dân và an sinh xã hội.

anh-bc-01.jpg
Nhiều công trình hồ đập được huyện Ba Chẽ xây mới đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân ổn định sinh hoạt và sản xuất

Trước những khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân các xã vùng cao, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 29 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hiện có và một dự án đang được triển khai. Những công trình này đã cơ bản cấp nguồn nước sạch trong sinh hoạt, sản xuất, tạo sinh kế cho bà con vùng đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, các hộ dân trên địa bàn chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nguồn nước sạch sinh hoạt từ các công trình: Hồ chứa nước 4 xã vùng cao (hồ Khe Lừa) trên địa bàn xã Lương Mông; hồ chứa nước Khe Lọng Trong, xã Thanh Sơn; hồ chứa nước Khe Mười, xã Đồn Đạc; công trình nước sinh hoạt Khe Lầm, thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc.

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, tháng 3/2023, huyện Ba Chẽ đã khởi công xây dựng hồ chứa nước Khe Tâm, xã Nam Sơn với dung tích 1,2 triệu m3, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Khi đi vào sử dụng, hồ chứa nước Khe Tâm đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã Đồn Đạc, Nam Sơn và bổ sung cho trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Ba Chẽ.

Ngoài ra, huyện Ba Chẽ cũng đã khởi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch thôn Đồng Loóng, Đồng Tiến (xã Thanh Lâm) cung cấp nước sinh hoạt cho 175 hộ dân; cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch thôn Nà Làng, Khe Vang (xã Đồn Đạc) cung cấp nước sinh hoạt cho 149 hộ dân; cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thôn Khe Nà, Khe Pụt (xã Thanh Sơn) cung cấp nước sinh hoạt cho 120 hộ dân.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, đến nay 100% người dân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 72% người dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ các công trình cấp nước nước sạch tập trung, góp phần đạt được một trong các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng huyện Ba Chẽ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Bảo vệ nguồn nước tạo sinh kế bền vững

Để bảo vệ tài nguyên và nguồn nước, Ban Chấp hành đảng bộ huyện Ba Chẽ đã ban hành Nghị quyết số 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai gắn với bảo vệ dòng sông Ba Chẽ giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, huyện Ba Chẽ sẽ tập trung các nguồn lực thực hiện Đề án phát triển rừng trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Cùng với các cơ chế chính sách, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu.

anh-bc-03.jpg
Có nguồn nước đã tạo điều kiện cho bà con vùng DTTS tại huyện miền núi Ba Chẽ mạnh dạn phát triển chăn nuôi, trồng rừng, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ sự đầu tư thiết thực cho việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, đã tác động tích cực đến việc tạo nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước cho các sông, suối trên địa bàn, tạo sự ổn định về nguồn nước để phục vụ nhân dân, đặc biệt là bà con vùng DTTS ở các xã vùng cao đảm bảo sinh hoạt và sản xuất.

Theo báo cáo của huyện Ba Chẽ, con sông Ba Chẽ kéo dài trên 80km từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Nhờ những cánh rừng Đồng Sơn, Kỳ Thượng thuộc TP.Hạ Long, một phần rừng của huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và diện tích rừng trên địa bàn huyện được bảo vệ tốt, nên nhiều năm qua Ba Chẽ đã giữ được mực nước an toàn, chất lượng nước tốt, đảm bảo môi trường nước trong sạch, là nguồn nước phù hợp để trên 5.000 người dân thị trấn Ba Chẽ sử dụng sau khi đã được xử lý.

Cùng với đó, với 50 hồ thủy lợi nhỏ của huyện Ba Chẽ làm nhiệm vụ trữ, chứa nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho hơn 17.000 dân của 7 xã còn lại trên địa bàn. Nhờ giữ được rừng, nên tình trạng thiếu nước vào mùa khô cơ bản được khắc phục, giúp người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Kép, ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ cho biết: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, nhiều công trình hồ, đập, kênh mương dẫn nước được đầu tư, người dân chúng tôi được sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe, ít bệnh tật. Có nguồn nước gia đình tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, cấy lúa, trồng ngô cho năng suất cao, cuộc sống khấm khá hơn so với trước đây.

Nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, cũng như bảo vệ nguồn nước tự nhiên, huyện Ba Chẽ luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đó là tập trung trồng, chăm sóc, bảo vệ, làm giàu rừng, cũng như bảo vệ dòng sông Ba Chẽ.

Nhờ vậy, bình quân mỗi năm huyện trồng mới được hơn 3.300ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 72,2%, đưa Ba Chẽ trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về công tác phát triển rừng. Đây cũng là biện pháp lâu dài để đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là bà con vùng DTTS phát triển kinh tế, tham gia các mô hình sản xuất tập trung, tạo sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Ba Chẽ đạt 72 triệu đồng/người/năm, tăng 67,3 triệu đồng so với năm 2010. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo, theo tiêu chí chuẩn nghèo của Trung ương- ông Vi Thanh Vinh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Chẽ (Quảng Ninh): Bảo vệ nguồn nước, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO