Xử lý vi phạm đất đai tại khu vực giáp ranh giữa quận Hà Đông và huyện Thanh Trì: Thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật

05/11/2013 00:00

Khu vực giáp ranh giữa phường Phúc La (Hà Đông) và xã Tân Triều (Thanh Trì) một số đối tượng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Tại khu vực đất nông nghiệp giáp ranh giữa phường Phúc La (Hà Đông) và xã Tân Triều (Thanh Trì) đang tồn tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng do một số đối tượng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Những vi phạm này đã được chính quyền hai địa phương lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế phá dỡ, song hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn…
   
  Khu vực nói trên do Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Phúc, phường Phúc La quản lý có vị trí khá gần khu dân cư của xã Tân Triều. Khoảng giữa năm 2011, một số đối tượng lạ mặt đã lấn chiếm đất nông nghiệp, xây dựng một số ngôi nhà cao khoảng 3m, lợp bằng mái tôn... Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện nay tại khu vực này có tất cả 7 công trình vi phạm, trong đó 5 ngôi nhà không xác định được đối tượng vi phạm. Những ngôi nhà này đã từng bị xã Tân Triều và phường Phúc La xử lý, song các đối tượng rất hung hãn, thách thức, đe dọa cán bộ và đặt container hoặc thùng xe tải lớn chặn đường, không cho xe, máy cẩu của lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường…
   
  Hơn nữa, vào thời điểm vi phạm diễn ra, do Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn không quy định biện pháp xử lý đối với các vi phạm chưa xác định được chủ thể nên công tác xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do UBND xã Tân Triều thiết lập hồ sơ vi phạm, áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 11 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ vì cho rằng hành vi vi phạm là do chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, UBND phường Phúc La lại lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "lấn chiếm đất thuộc khu vực đô thị" theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ.
   

   
Những công trình vi phạm đang chờ xử lý.
   
  Như vậy, cùng một hành vi xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan chức năng lại áp dụng 2 quy định khác nhau. Để giải quyết sự bất nhất này, UBND quận Hà Đông đã hai lần mời đại diện các sở, ngành: Công an, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Viện Kiểm sát… và đại diện UBND huyện Thanh Trì, xã Tân Triều để thống nhất phương thức áp dụng quy định pháp luật. Song, chính các sở, ngành cũng chưa thống nhất quan điểm trong việc áp dụng quy định nào để xử lý. Còn đối với các công trình không xác định được chủ thể vi phạm, các ngành khối nội chính đã họp bàn và thống nhất đề nghị xử lý vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Sau cuộc họp giữa tháng 10/2013, vì các sở, ngành và các cơ quan chức năng quận Hà Đông, huyện Thanh Trì chưa tìm được "đáp án" chung nên UBND quận Hà Đông đã báo cáo UBND thành phố.

  Trong khi các quy định của pháp luật còn chồng chéo thì việc hỗ trợ về mặt pháp lý của các sở, ngành là điều cần thiết, song thực tế cho thấy sự hướng dẫn, phối kết hợp của các đơn vị này còn chậm. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm có chỉ đạo chính quyền cơ sở nhằm xử lý dứt điểm vi phạm nêu trên, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
   
Theo Hànộimới
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm đất đai tại khu vực giáp ranh giữa quận Hà Đông và huyện Thanh Trì: Thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO