Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý đất đai hiệu quả
(TN&MT) - Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử, Bộ TN&MT và các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Hơn 43 triệu thửa đất được chuẩn hóa và số hóa thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước nói chung và trong quản lý đất đai nói riêng phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia hàng đầu làm nền tảng, công cụ quản trị quốc gia hiện đại đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo điều hành.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các địa phương trên cả nước, sự chỉ đạo tập trung của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các điều kiện cần thiết, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công về đất đai.
Theo Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai, đến nay, tại Trung ương đã xây dựng xong 4 cơ sở dữ liệu đất đai thành phần, gồm: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; và dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Tại các địa phương, đã có 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đã hoàn thành 439/705 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và 220/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai (với đầy đủ 4 thành phần cơ sở dữ liệu: Địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất).
Đặc biệt, đã có hơn 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng.
Đến thời điểm hiện nay, có 61 tỉnh thành phố đã kết nối với cổng dịch vụ công và tổ chức việc thanh toán trực tuyến. Đây là tiền đề để đảm bảo thanh toán công khai minh bạch của người sử dụng đất.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất
Để đẩy mạnh công tác này theo yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW về hoàn thành cơ sở giữ liệu và hệ thống thông tin đất đai tập trung thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông, Dự thảo Luật Đất đai đã dành 1 chương (XII) về hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó thể hiện cụ thể: Bổ sung 1 điều quy định về Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của hệ thống thông tin đất đai theo hướng làm rõ hạ tầng kỹ thuật thông tin của Trung ương, địa phương, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Bên cạnh đó, quy định rõ về bảo đảm kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, theo đó phân tách rõ: Ngân sách Trung ương đảm bảo cho các hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương thực hiện; Ngân sách địa phương đảm bảo cho các hoạt động quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương thực hiện.
Bổ sung quy định về bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu đất đai, theo đó, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai phải được bảo đảm an toàn; việc in, sao, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu và các hoạt động khác có liên quan đến dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đến nay, đã có 35 tỉnh thực hiện kết nối, liên thông với cơ quan thuế, 27 tỉnh kết nối liên thông với một cửa hành chính công, 61 tỉnh triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và 59 tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây sẽ là tiền đề trong việc triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, quy định rõ hơn trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin quốc gia về đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Được biết, ngày 17/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiệnNghị quyết 18-NQ/TW trong đó có nội dung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông, các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm đề xuất Chính phủ phê duyệt các đề án, nhiệm vụ về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai như: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất.
Đồng thời, thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước…