Từ đây, TS. Nguyễn Phi Sơn (Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ) cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên, hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động tài nguyên đất” (Mã số BĐKH.10/16-20), nhằm đạt được mục tiêu quản lý hiệu quả tài nguyên đất quốc gia.
Góp phần hoàn thiện công cụ quản lý đất
Kết quả nghiên cứu đã tổng hợp và phát triển các phương pháp trong thu nhận và phân tích dữ liệu thuộc tính của tài nguyên đất, từ đó phát triển thành quy trình và giải pháp công nghệ trong mô hình giám sát biến động tài nguyên đất cấp tỉnh, phù hợp với văn bản pháp luật về đất đai hiện nay.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ địa không gian trong điều tra cơ bản cũng như hỗ trợ hoạt động quản lý. Theo đó, mô hình hỗ trợ giám sát biến động tài nguyên đất có thể tham gia vào 4/13 nội dung của công tác quản lý Nhà nước về đất đai, gồm: Đánh giá đất; Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai; Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai.
Đề tài đã xây dựng được cơ sở dữ liệu và phát triển một phần mềm ứng dụng MoLaR, đã xây dựng được WebGIS tại địa chỉ https://tainguyendat-quangninh.vn có tính hiện đại, có ý nghĩa cung cấp thông tin đất đai theo quy định của pháp luật và tiếp nhận các thông tin phản ảnh về vi phạm trong quản lý và sử đụng tài nguyên đất từ cộng đồng. Mô hình giám sát biến động có thể thiết lập bộ dữ liệu hiện trạng, thành lập các bản đồ biến động, thống kê hiện trạng, thống kê biến động về 14 thuộc tính của tài nguyên đất và giám sát biến động theo thời gian.
Hai sản phẩm chính của đề tài là phần mềm MoLaR và WebGIS có thể hỗ trợ sẽ làm tăng hiệu quả công việc, đảm bảo cho cơ quan quản lý đất đai ở địa phương thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Cụ thể là trong công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, giám sát đất đai; hỗ trợ công tác lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; phục vụ đánh giá thoái hóa đất, đánh giá chất lượng đất, ô nhiễm đất và trong công tác quản lý chuyên môn khác về đất đai.
Mục tiêu của mô hình giám sát biến động tài nguyên đất là cung cấp bộ dữ liệu về biến động các thành phần tài nguyên đất bao gồm bản đồ biến động, số liệu thống kê trong giám sát định kỳ hay theo chuyên đề phục vụ các hoạt động giám sát của cơ quan quản lý hay các tổ chức chính trị xã hội. Phương thức giám sát thông qua điều tra quan trắc, ảnh viễn thám đa thời gian và thông tin từ cộng đồng bằng WebGIS.
Mô hình giám sát biến động tài nguyên đất |
Có thể ứng dụng từ cấp địa phương
Theo TS. Nguyễn Phi Sơn, mô hình giám sát biến động tài nguyên đất phải là một hệ thống mở, có khả năng kết nối với các hệ thống thông tin đất đai khác để phục vụ một cách toàn diện về công tác quản lý nhà nước về đất đai và kế thừa dữ liệu của nhau. Mô hình giám sát biến động tài nguyên đất sẽ cung cấp các thông tin và số liệu về hiện trạng sử dụng đất đai, các thông tin về quy hoạch, kế hoach sử dụng đất đai, các thông tin về thổ nhưỡng, địa hình, suy thoái đất, tiềm năng đất, chất lượng đất, môi trường đất, đánh giá đất đai... phục vụ cho việc điều hành quản lý.
Hệ thống này có thể hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra sử dụng đất theo chức năng nhiệm vụ; đánh giá chất lượng đất, ô nhiễm đất; đánh giá thoái hóa đất; cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; đồng thời, hỗ trợ hoạt động giám sát quản lý, sử dụng đất của người dân và cộng đồng.
Đề tài đã chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Cục Kiểm soát quản lý đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, các đơn vị trên đã được cài đặt và vận hành mô hình. Các đơn vị nhận chuyển giao đều đánh giá cao tính hiệu quả của sản phẩm đề tài, đáp ứng các yêu cầu thực tiến quản lý đất đai hiện nay, đặc biệt trong điều tra đánh giá đất đai.