Vụ di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Kinh phí 1.880 tỷ đồng quá lớn đối với ngân sách địa phương

12/06/2019 13:54

(TN&MT) - Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, kinh phí để thực hiện giai đoạn 1 của “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” lên đến 1.880 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương.

Thừa Thiên Huế sắp có cuộc di dân lịch sử. Tuy nhiên kinh phí di dời là điều khiến tỉnh này băn khoăn
Thừa Thiên Huế sắp có cuộc di dân lịch sử. Tuy nhiên, kinh phí di dời là điều khiến tỉnh này băn khoăn

Liên quan đến “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành để đề xuất Thủ tướng quan tâm đảm bảo nguồn lực, kịp thời thực hiện đề án.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hiện tỉnh đang tập trung nỗ lực để thực hiện “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế”. Dự kiến trong tháng 9 tới, tỉnh sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di dời 523 trong số hơn 4.200 hộ “sống treo” tại các di tích Kinh thành Huế trong tháng 10/2019.

Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác và ô nhiễm của người dân khi xây nhà trái phép xung quanh các Hộ thành hào
Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác và ô nhiễm của người dân khi xây nhà trái phép xung quanh các Hộ thành hào

“Tuy nhiên, với quy mô kinh phí chi trả cho người dân lên đến 1.880 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2021 là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Đến nay, Chính phủ đã bố trí 100 tỷ đồng, ngân sách địa phương chủ yếu tập trung cho việc xây dựng khu tái định cư, vì vậy sẽ rất khó khăn trong triển khai thực hiện kế hoạch bồi thường trong giai đoạn 2019 - 2021,tỉnh mong muốn Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nguồn lực để tỉnh thực hiện di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế và tái định cư...”- ông Thọ trình bày.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, trong trường hợp không cân đối được kinh phí thì Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu văn hóa của tỉnh 2 năm 2019 và 2020, hoặc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với di sản quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2019 - 2020 theo Luật Di sản văn hóa. Cụ thể, tỉnh được để lại và sử dụng toàn bộ nguồn thu phí di tích cho việc thực hiện “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế” và trùng tu di tích, không huy động 50% từ nguồn thu phí bán vé tham quan di tích để cân đối quỹ cải cách tiền lương...

Người dân mong muốn sẽ được sớm di dời, ổn định cuộc sống…
Người dân mong muốn sẽ được sớm di dời, ổn định cuộc sống…

Chia sẻ thêm, theo ông Phan Ngọc Thọ, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh, thành phố cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, khung chính sách và các vấn đề liên quan khác nên trong một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được.

“Việc cân đối vốn để thực hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân nhưng phải đúng pháp luật, việc di dời tái định cư sẽ được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch để người dân biết. Điều quan trọng là bà con phải phát huy tinh thần đoàn kết, không nghe tác động bên ngoài, tin tưởng vào chính quyền, tin tưởng vào chính sách Nhà nước để cùng nhau sớm hoàn thành dự án, sớm về nơi ở mới có một cuộc sống tốt hơn...”- ông Thọ nhấn mạnh.

Như đã phản ánh, hàng chục năm qua, hơn 4.000 hộ dân sống trong Kinh thành Huế phải sống những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp. Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và cực kỳ ô nhiễm.

Khung chính sách đặt biệt đã được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế triển khai để trình Bộ TN&MT
Khung chính sách đặc biệt đã được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế triển khai để trình Bộ TN&MT

Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ. Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước. Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập...

Chính vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Đề án di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân. Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73ha, dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế động viên, chia sẻ với những khó khăn mà người dân đang sống trong khu vực di tích...
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế động viên, chia sẻ với những khó khăn mà người dân đang sống trong khu vực di tích...

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…

Đề án đã đưa ra phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân sau di dời. Trong đó nêu rõ về chính sách hỗ trợ: Khi đến khu tái định cư tạo điều kiện cho các lao động đủ điều kiện vào làm việc tại khu công nghiệp cụm làng nghề tại phường An Hòa (tiếp giáp phường Hương Sơ, TP. Huế). Khi các hộ gia đình tới nơi tái định cư mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những chính sách xã hội để cho các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển thương mại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống mà các hộ gia đình hiện đang làm và các ngành nghề thủ công truyền thống địa phương có thế mạnh...

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã nhiều lần làm việc với Thủ tướng, các bộ ngành liên quan về đề án di dời “lịch sử” trên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Thủ tướng cơ bản đồng ý theo chủ trương và đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện đề án là cuộc di dân mang tính lịch sử nên đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn vốn để giúp tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Báo Điện tử Tài nguyên &Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Kinh phí 1.880 tỷ đồng quá lớn đối với ngân sách địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO