Xã hội

Lũ sông Hồng dâng nhanh, Hà Nội khẩn trương di dời dân đến vùng tránh lũ an toàn

Phạm Thiệu - Bảo Hà - Cao Sơn 11/09/2024 - 20:27

(TN&MT) - Lũ trên sông Hồng dâng nhanh gây ngập lụt nghiêm trọng và nguy cơ mất an toàn đối với các xã ven đê thuộc các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh… Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã khẩn trương di dời người dân đến nơi tránh lũ an toàn.

Đan Phượng sơ tán dân ngay trong đêm

UBND huyện Đan Phượng cho biết đã tổ chức di dời 66 hộ với 261 nhân khẩu tới nơi ở an toàn, đảm bảo 100% theo phương án báo động lũ được xây dựng.

Báo cáo nhanh của UBND huyện Đan Phượng ngày 11/9 cho biết, mực nước sông Hồng tính tới 6h ngày 11/9/2024 tại Trạm bơm Đan Hoài đang ở mức + 12,0m (vượt mức báo động 2). Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức di dời 66 hộ dân với 261 nhân khẩu tới nơi ở an toàn; di chuyển 1.924 con lợn, 8.762 gia cầm, 41 con trâu bò, đảm bảo 100% theo phương án báo động lũ được xây dựng.

dan-phuong-1.png
Lực lượng chức năng xã Hồng Hà giúp dân sơ tán người và tài sản.

Ngoài ra, mực nước sông dâng cao đã gây úng ngập khoảng 5063 ha đất bãi sông, gây thiệt hại hoa màu với diện tích khoảng 41 ha (chủ yếu là rau màu, chuối ở ngoài bãi sông).

Hiện tại, UBND huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nước sông, triển khai ngay các phương án phòng chống lũ theo phương án được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân; triển khai các lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng thực hiện phương án hộ đê, khắc phục các sự cố; triển khai thực hiện phương án ứng phó với tình huống lũ sông Hồng lên báo động số 1, 2, 3 …

Ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường sáng ngày 11/9 cho thấy, nhiều xã ven sông Hồng của huyện Đan Phượng đã cắt cử lực lượng trực chốt 100%; nhiều xã có dân cư sinh sống khu vực ven sông, ngoài bãi sông đã tổ chức di dời, sơ tán dân từ ngay trong đêm ngày 10/9/2024.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: “Ngay từ đêm ngày 10/9, chúng tôi đã tổ chức lực lượng di dời khoảng 30 hộ dân ngoài đê sông Hồng cùng tài sản tới nơi an toàn. Hiện tại xã đã lên kế hoạch di dời dân theo từng cấp độ lũ, số hộ dự kiến phải sơ tán là 918 hộ với 4037 nhân khẩu. Địa điểm sơ tán từ nhà bán kiên cố sang nhà kiên cố, di dân đến các công sở, cơ quan, đơn vị nơi gần nhất để đảm bảo an toàn theo phương án đã được xây dựng; ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như: người già, trẻ em, người khuyết tật, người bệnh, phụ nữ mang thai ... Đặc biệt sơ tán toàn bộ số hộ dân sống trong các nhà tạm, vùng có nguy cơ sụt lún, sạt lở, vùng trũng thấp”.

dan-phuong-2.png
Các chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng giúp dân sơ tán tài sản.

Cũng trong ngày 10/9, cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng đã cùng dân quân thường trực và dân quân xã Trung Châu tập trung tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt tại các địa bàn ngoài đê sông Hồng, tổ chức giúp 29 hộ gia đình sơ tán người già, trẻ em cùng các vật dụng sinh hoạt hàng ngày; sơ tán gần 2000 con lợn, 7740 gà, vịt, 45 con chó, 41 con trâu và 10 kho lạnh của nhân dân ... đang sinh sống ngoài đê sông Hồng thuộc thôn 7, xã Trung Châu đến nơi an toàn.

Trong khi đó, một lãnh đạo xã Liên Hà cho biết: “Xã Liên Hà không có dân cư sinh sống khu vực bãi ven sông nên không phải xây dựng phương án di dời. Hiện tại một số nhà xưởng ven sông (phía ngoài đê) chúng tôi cũng đã vận động thu dọn đồ đạc, tài sản để di chuyển tới nơi an toàn. Đa phần mọi người đều chấp hành và tiến hành di dời đồ đạc tới nơi an toàn”.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng đã kịp thời có Công điện số 43/CĐ-UBND ngày 10/9/2024 về việc tập trung ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông. Công điện yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đồng thời tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.

Bắc Từ Liêm, Thường Tín người dân vui vẻ di dời đến nơi tránh lũ

Thông tin từ UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, đến rạng sáng 11/9, quận đã di dời 836 hộ dân ngoài đê sông Hồng (đạt 100%) thuộc bốn phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND dân quận quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên yêu cầu các phường tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ khẩn trương thực hiện di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Đặc biệt, Chủ tịch quận chỉ đạo các trường học trên địa bàn quận trực sẵn sàng tiếp nhận hộ các hộ dân di dời. Trong trường hợp khẩn cấp, phường Đông Ngạc có số lượng lớn người dân di dời có thể sử dụng trường học của phường Đức Thắng.

Bà Nguyễn Thị Khanh (63 tuổi, trú tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín).

Từ sáng ngày 11/9, nước lũ sông Hồng bất ngờ tăng cao khiến nhiều xã ngoài đê huyện Thường Tín có nguy cơ bị ngập lụt nặng.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của mưa lũ, nước trên sông Hồng dâng lên cao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thường Tín đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng lũ lụt khẩn trương, sẵn sàng tổ chức di dời người và tài sản, gia cầm, gia súc của các hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn.

t1.jpg
Lực lượng chức năng xã Chương Dương, huyện Thường Tín giúp người dân di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn.

Ghi nhận của phóng viên ngày 11/9 tại xã Chương Dương, hàng chục hộ dân nằm trong vùng bị ngập lụt đã được chính quyền địa phương thông báo khẩn trương di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, tài sản, vật nuôi cũng được lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ người và phương tiện di chuyển đến nơi cao ráo.

Ông Phạm Văn Thuấn – Bí thư Đảng uỷ xã Chương Dương cho biết: “Trên địa bàn có 35 hộ với 150 nhân khẩu nằm trong vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ. Chính quyền địa phương đã đôn đốc, vận động, hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Tại địa bàn xã có khoảng trên 400 mẫu diện tích hoa màu đã bị ngập nặng, không còn khả năng cứu được.”

Ông Phạm Văn Thuấn – Bí thư Đảng uỷ xã Chương Dương, huyện Thường Tín.

Tại xã Tự Nhiên có 10/11 đội bị ảnh hưởng do mưa lũ, với hàng trăm hộ nằm trong vùng phải di dân đến nơi an toàn.

Ghi nhận của phóng viên tại các Đội 5, 6, 10…. xã Tự Nhiên, công tác tổ chức di dời người và tài sản, gia cầm, gia súc của các hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn đang diễn ra hết sức khẩn cấp. Mỗi đội đều có chính quyền thôn, xã đến từng nhà vận động người dân nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn. Với tinh thần cùng nhau chung sức phòng chống bão lụt, lực lượng chức năng phối hợp cùng người dân tổ chức đến từng nhà có người già, trẻ nhỏ ưu tiên di dời đến nơi an toàn trước.

Ông Lê Văn Tám - Trưởng thôn Đội 8, xã Tự Nhiên cho biết: “Chúng tôi đến từng hộ dân thống kê nhân khẩu, những trường hợp người già từ 60 tuổi trở lên và trẻ em chúng tôi yêu cầu phải thực hiện ngay di dời đến nơi an toàn, đến 17 giờ đã thực hiện xong”.

Bà Nguyễn Thị Chiên (trú tại đội 8, xã Tự Nhiên) cho hay, nghe tin lũ lụt đến chúng tôi rất lo lắng. Gia đình tôi đã di dời các cháu nhỏ từ trước khi có lệnh di dân của chính quyền. Bây giờ, gia đình chỉ dọn dẹp những đồ đạc còn lại rồi di chuyển đến nơi an toàn.

Bà Nguyễn Thị Ngà - Hội trưởng Hội Nông Dân (đội 8, xã Tự Nhiên) cho biết: “Chúng tôi đang đi vận động người dân phải di dời trước 17 giờ, người già trên 60 tuổi và trẻ em dưới 17 tuổi phải được di dời về nơi quy định của xã là trường cấp 2 Xuân Tảo”.

Bà Nguyễn Thị Ngà - Hội trưởng Hội Nông Dân (đội 8, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín).

Còn tại xã Hồng Vân, toàn bộ các hộ gia đình sinh sống ở ngoài đê Hữu Hồng cũng đang thực hiện lệnh di dân của chính quyền. Có mặt tại đây, phóng viên chứng kiến cảnh “đau thương” khi nước lũ dâng cao, nhấn chìm mọi con đường, ngõ ngách. Nhiều cụ già, trẻ em được các đoàn thể, chính quyền hỗ trợ di chuyển bằng thuyền từ nơi bị ngập lên trên đê, sau đó được chở đến nơi di dân tạm thời bằng phương tiện ô tô.

t3.jpg
Chính quyền cùng các đoàn thể xã Hồng Vân, huyện Thường Tín giúp người dân di dời ra khỏi vùng lũ lụt.

Anh Nguyễn Văn Đức (trú tại thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Văn) cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đã di chuyển đồ đạc và con người từ trước khi lũ về. Hiện nay, chỉ còn trụ cột gia đình ở lại dọn dẹp nốt, rồi di chuyển đến nơi tránh lụt bão của chính quyền địa phương quy định…”

Phú Xuyên đội mưa vượt lũ giúp dân di dời đến nơi an toàn

Mưa lớn, nước sông càng lúc càng dâng cao. Những ngôi nhà, trang trại ở Phú Xuyên dần chìm trong dòng nước đục ngầu, bất chấp hiểm nguy, lực lượng cứu hộ đã xung trận. Bên cạnh họ, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng đã nỗ lực để bằng mọi cách di dời dân vùng bị ngập lụt đến điểm an toàn.

Tại các khu vực ngoài đê sông hữu Hồng thuộc địa bàn 3 xã: Khai Thái, Hồng Thái, Nam Tiến nước sông dâng cao. Khu dân cư Bãi Chim thuộc xã Khai Thái bị ngập lụt, chia cắt giao thông khiến người dân di chuyển từ khu dân cư vào trong đê hữu Hồng gặp nhiều khó khăn.

px2.jpg
Vật nuôi của người dân được nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn khi lũ về.

Ông Nguyễn Huy Tiền - Chủ tịch xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên cho biết, trên địa bàn xã có khoảng trên 70 hộ dân đang sinh sống và sản xuất ở vùng bãi sông đang bị ngập lụt. Trong chiều 10 - 11/9, chính quyền địa phương cùng các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tích cực hỗ trợ người dân vùng bị ngập. Đến nay, đã di dời được hơn 30 hộ người và tài sản an toàn, còn các hộ khác nhà 2 tầng xã và huyện đang tuyên truyền vận động bà con nhanh chóng di dời đến vùng an toàn.

Xã cũng đã xây dựng phương án dự phòng như nhà văn hóa và các trường học, trong trường hợp nước lũ dâng cao lên, có thể di dời người dân đến sơ tán” ông Tiền cho biết thêm!

Tương tự xã Quang Lãng chính quyền địa phương và các đoàn thể đang tích cực hỗ trợ di chuyển 5 trang trai nuôi heo đến nơi an toàn.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đồng thời tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, tổ chức trực ban, ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Đối với một số hộ dân sinh sống ngoài đê sông Hồng thuộc xã Hồng Thái, Nam Tiến, Khai Thái, Quang Lãng chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ, người dân di dời vào khu vực an toàn. Đồng thời, di chuyển tài sản, vật nuôi để phòng tránh trường hợp lũ sông Hồng lên cao.

Cùng với đó, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết, xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.

Đồng thời chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân. Hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân.

px1.jpg
Huyện Phú Xuyên vận hành 100% máy bơm tiêu úng để chống ngập lụt.

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên yêu cầu các địa phương ứng trực 24/24 giờ để xử tốt các tình huống xấu do mưa lũ có thể xảy ra; thực hiện kiểm tra, tu bổ ngay các đoạn đê bao khu dân; đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình để triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Đến thời điểm 14 giờ ngày 11/9, lũ sông Hồng tại Hà Nội đã lên xấp xỉ mức báo động 3, gây ngập lụt trong diện rộng. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV, mực nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đạt đến mốc 11m đã xảy ra cách đây 20 năm, vào năm 2004 (đạt 11,04m). Dự báo, từ chiều nay (11/9) đến hết ngày mai (12/9), mưa tại khu vực Hà Nội vẫn tiếp tục. Phải đến sang ngày 13/9, mưa mới có dấu hiệu suy giảm. Tuy vậy, mưa vẫn có thể diễn biến phức tạp.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin ở các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lũ sông Hồng dâng nhanh, Hà Nội khẩn trương di dời dân đến vùng tránh lũ an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO