Tài nguyên

TP. Huế: Dân “bám trụ” di tích, việc chỉnh trang gặp khó

Văn Dinh - Vy Toàn 26/03/2024 - 11:23

(TN&MT) - Theo lộ trình, đến cuối năm 2023 thì dự án chỉnh trang, hoàn trả mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế sẽ hoàn thành, tuy nhiên do nhiều hộ dân vẫn “bám trụ” vùng di tích cộng với việc thiếu vốn dẫn đến việc hoàn trả mặt bằng kéo dài.

1(4).jpg
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong giai đoạn 1, khoảng từ năm 2019 đến năm 2023 đã giúp hàng nghìn hộ dân bàn giao lại đất đang sinh sống thuộc Kinh thành Huế chuyển đến nơi ở mới khi được chính quyền cấp đất và tiền đền bù
2(4).jpg
Tháng 6/2023, dự án chỉnh trang, hoàn trả mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế được Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế triển khai thực hiện, với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm
3(3).jpg
Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, nhiều hộ dân nằm trong diện giải tỏa vẫn tiếp tục “bám trụ” trong vùng dự án khiến công tác dọn dẹp, chỉnh trang, hoàn trả mặt bằng bị chậm tiến độ
4(1).jpg
Ghi nhận của PV dọc bên khu vực Thượng thành, Eo bầu, Hộ Thành hào, Trấn Bình đài... vẫn còn nhiều hộ dân nằm trong diện giải tỏa chưa chịu di dời để bàn giao mặt bằng
5(1).jpg
Nhiều căn nhà tại nơi ở cũ của người dân vẫn chưa tháo dỡ hết, khiến khu di tích trở nên nhếch nhác, cỏ mọc um tùm...
6(2).jpg
Đoạn Thượng thành, Eo bầu, khu vực phía Đông giáp với đường Xuân 68 vốn đã được chỉnh trang, dọn dẹp, đến nay cỏ dại, cây cối đã mọc um tùm, xanh tốt trở lại. Có nơi cây dại tái sinh mọc cao quá đầu người, tái xâm lấn lên bờ Kinh thành
7(1).jpg
Dù đã được chỉnh trang đặt biển báo nhưng một số khu vực trở thành tụ điểm lý tưởng của các đối tượng tiêm chích ma túy
8.jpg
Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, khu vực các Eo bầu quanh Thượng thành hiện còn 99 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng; tập trung nhiều nhất tại các phường Thuận Lộc (36 hộ), Đông Ba (30 hộ), Tây Lộc (24 hộ)…
9.jpg
Khu vực Hộ Thành hào có 723 hộ bị thu hồi một phần đất, nhưng hiện mới có 90 hộ hạ giải một phần nhà cửa và bàn giao mặt bằng, số còn lại vẫn “án binh bất động”. Tại di tích Trấn Bình đài, cũng chỉ có 28/116 hộ dân thuộc diện giải tỏa thực hiện bàn giao đất
10.jpg
Ông Nguyễn Thắng Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, nguyên nhân dự án đang triển khai chậm chủ yếu do vướng mắc trong công tác bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công dọn dẹp và một số người dân cố tình chậm, “chây ỳ” không bàn giao mặt bằng
11.jpg
“Do người dân chưa thỏa mãn với chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt là việc bố trí tái định cư cho các hộ phụ ở nhờ trên nhà đất của hộ chính, mặc dù lãnh đạo UBND TP. Huế cùng các phòng, ban và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, làm việc, thông báo và vận động để trả lời, hướng dẫn giúp người dân hiểu các chế độ, chính sách nhưng đến nay một số người dân vẫn chưa chấp hành bàn giao”, ông Duy nói
12(1).jpg
Cũng theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất, nếu có hộ dân nào trả mặt bằng, đơn vị sẽ thực hiện dọn dẹp hoàn trả mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu. Việc tổ chức vận động có hiệu quả để người dân sớm bàn giao mặt bằng rất cần đến sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền, các tổ chức cơ sở tại các phường và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân...
13.jpg
Trung tâm Phát triển Quỹ đất đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm bố trí nguồn ngân sách để thực hiện khối lượng công việc còn lại của gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành bàn giao những diện tích mặt bằng đã dọn dẹp xong ở khu vực Thượng thành và Eo Bầu, Tuyến phòng lộ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khu vực Hộ Thành hào cho chính quyền các phương để quản lý, thực hiện công tác trùng tu theo kế hoạch
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Huế: Dân “bám trụ” di tích, việc chỉnh trang gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO