Các bên cùng trao đổi về sáng kiến Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021.
Thứ trưởng Lê Công Thành (bên phải) tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Đại diện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Đây là sáng kiến do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đề xuất nhằm góp phần đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về BĐKH là giữ nhiệt động toàn cầu không tăng quá 20C, hướng tới mục tiêu 1,50C vào cuối thế kỷ này thông qua kêu gọi các quốc gia thực hiện các hoạt động giảm phát thải mê-tan mạnh mẽ hơn. Theo đó, các bên tham gia Cam kết sẽ cùng nhau giảm phát thải mê-tan từ các hoạt động của con người trong tất cả các lĩnh vực đến năm 2030, ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020.
Thông qua Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, các quốc gia sẽ có các hành động cụ thể để thúc đẩy các đối tác trong nước và quốc tế giảm phát thải khí mê-tan – một trong những nguyên nhân chính làm trái đất nóng lên.
Chia sẻ về sáng kiến này, ông Giorgio Aliberty – Đại sứ Liên minh Châu Âu và ông Christopher Klein – Đại diện lâm thời Hoa Kỳ đều bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tham gia Cam kết.
Ông Giorgio Aliberty – Đại sứ Liên minh Châu Âu (bên phải) và ông Christopher Klein – Đại diện lâm thời Hoa Kỳ (bên trái) thông tin về sáng kiến Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu |
Hoan nghênh sáng kiến Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ, ứng phó biến đổi khí hậu là trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Việt Nam là một trong các quốc gia đã đệ trình Bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sớm cho Ban thư ký các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó thể hiện rõ nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Cùng với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cũng sẽ xem xét nghiêm túc việc tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan. Thứ trưởng mong muốn, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan trong thời gian tới; đồng thời giúp Việt Nam xây dựng được hệ thống kiểm kê, giám sát khí mê-tan.
Trên phương diện quốc tế, Thứ trưởng đề nghi, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ có Kế hoạch hành động chung nhằm cập nhật, công khai minh bạch thông tin về các chính sách và viêc thực hiện của các quốc gia tham gia Cam kết này. Đồng thời, sớm thúc đẩy hỗ trợ các sáng kiến cắt giảm phát thải mê-tan quốc tế hiện có như Hiệp hội Khí hậu và không khí sạch, Sáng kiến mê-tan toàn cầu và các hoạt động liên quan của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đối với nỗ lực cắt giảm phát thải mê-tan của Việt Nam.
Ghi nhận đề xuất của Thứ trưởng, ông Giorgio Aliberty – Đại sứ Liên minh Châu Âu chia sẻ, việc giảm khí mê-tan vốn không đơn giản, dễ dàng. Phía EU sẽ cân nhắc việc hỗ trợ Việt Nam đo đạc, kiểm kê khí mê-tan.
Ông Giorgio Aliberty lưu ý, Việt Nam cần chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để thay thế cho các nhà máy điện than phát sinh khí thải. Cộng đồng quốc tế cũng sẽ sẵn sàng chung tay cùng Việt Nam giảm chất thải trong ngành nông nghiệp, giao thông, xử lý chất thải để giảm khí mê-tan. Tương lai mà EU và Việt Nam cùng các quốc gia khác hướng đến là phát triển nền kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu cùng trao đổi về sáng kiến Cam kết giảm phát thải mê-tan |
Trong khi đó, ông Christopher Klein đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực và tiếng nói của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế. “Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tìm được phương thức tốt nhất để thực hiện Cam kết giảm phát thải mê-tan” – ông Christopher Klein khẳng định.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của EU và Hoa Kỳ, Thứ trưởng Lê Công Thành hy vọng, thời gian tới, mối quan hệ giữa Việt Nam với EU và Hoa Kỳ nói chung và giữa Bộ TN&MT với các quốc gia này nói riêng sẽ bền chặt và đạt được nhiều kết quả cụ thể hơn nữa. Chính phủ Việt Nam đang xem xét để đưa ra những con số tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính, để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam là đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển với mức giảm phát thải lớn nhất có thể thực hiện được./.