Ứng phó biến đổi khí hậu: Dự án bắt nguồn từ cuộc sống
(TN&MT) - Viết báo về biến đổi khí hậu (BĐKH), cái khó là làm sao để người đọc hiểu đúng về việc những câu chuyện “trên trời” sẽ tác động đến họ như thế nào.
Ôm tâm thế học hỏi từ những người làm dự án ứng phó BĐKH và các đồng nghiệp, tôi tham gia đoàn thực tế dành cho các phóng viên, nhà báo đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam vừa tổ chức hồi tháng 3/2024.
Nhen lên tình yêu thiên nhiên, con người
Ngày 11/6/2024, Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) xảy ra một vụ cháy rừng mà nguyên nhân là do người dân dùng lửa bất cẩn khi xâm nhập trái phép.
Thật tình cờ, chỉ cách đó ít tháng, đoàn phóng viên, nhà báo ghé thăm Tràm Chim cũng vì vấn đề này. Giữa cái nắng oi ả, đại diện Ban quản lý Vườn dẫn chúng tôi đến trạm quan trắc tự động giữa đồng cỏ khô rộng lớn, là bãi ăn của đàn chim từ khắp nơi đổ về. Cỏ gãy giòn, kêu sàn sạt theo từng bước chân như lời cảnh báo nguy cơ cháy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vườn có vài khu đồng cỏ như vậy, diện tích từ vài ha đến vài chục ha, không khác nào những mồi lửa âm ỉ giữa mùa khô.
Nhiều năm qua, Tràm Chim thường trữ nước ngập các đồng cỏ ngăn cháy rừng, nhưng lại khiến hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, một số loài chim trong đó có sếu đầu đỏ không trở về. Đầu năm 2024, Vườn xả nước, đốt chủ động có sự giám sát của cơ quan chức năng tại khu vực có lớp thực bì dày. Điều này giúp những cánh đồng cỏ năng kim dần hồi sinh, tạo nguồn thức ăn phù hợp cho nhiều loài chim quay về chọn làm nơi trú ngụ và sinh sống. Để ngăn chặn người dân vào rừng trái phép, Vườn quốc gia cũng phối hợp với nhiều bên hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng như trồng lúa đặc sản, đan bèo làm đồ thủ công xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế và thực tế, cháy rừng vẫn xảy ra.
Nếu từng gặp những cán bộ kiên nhẫn đứng cả tiếng đồng hồ dưới nắng nóng gần 40oC để nói đi nói lại về lý do phải rút nước, có lẽ mọi người sẽ hiểu vì sao họ bất chấp nguy cơ cháy tăng cao mà làm vậy. Ưu tiên cao nhất hiện nay là bảo đảm sự vận hành của hệ sinh thái tự nhiên, tạo môi trường thuận lợi đón chờ đàn chim trở về. Và về lâu dài, các cán bộ của Vườn sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy tối ưu.
Đây chỉ là một trong 10 dự án mà nhóm phóng viên được tiếp xúc trong chuyến công tác lần này. Tại vùng đất dễ bị tổn thương nhất do BĐKH ở Việt Nam, 10 câu chuyện riêng bắt nguồn từ những mong muốn chính đáng của người dân, của chính quyền địa phương. Đó là dự án hỗ trợ trồng cỏ năng kim chịu hạn mặn bản địa, làm vùng nguyên liệu đan lát sản phẩm xuất khẩu ở Long An, giúp các chị em phụ nữ vừa có thời gian chăm gia đình vừa có thêm nguồn thu nhập. Dự án hỗ trợ tôm giống và bao tiêu con tôm dưới tán rừng ngập mặn ở Bạc Liêu, giúp người nuôi tôm yên tâm giữ vững mô hình sản xuất truyền thống của quê hương và phát triển rừng. Dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo/Internet vạn vật trong quản lý môi trường ở Vườn quốc gia Tràm Chim, giúp phát hiện cháy rừng từ sớm và giám sát các loài chim. Hay các dự án trồng lúa giảm phát thải tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng Tháp; khôi phục mùa lúa nổi ở Kiên Giang nhằm tăng khả năng trữ lũ cho vùng Đồng Tháp Mười; thử nghiệm trồng rau hữu cơ tại Long An...
Đến ĐBSCL lần này, ấn tượng sâu sắc với tôi có lẽ là tình yêu mà con người nơi đây dành cho vùng đất của mình. Tình yêu quê hương, yêu lao động, trăn trở với nghề truyền thống... là động lực thúc đẩy họ tận dụng mọi cơ hội để sống tốt, sống khỏe ngay cả trong những điều kiện bất lợi nhất. Các hoạt động thí điểm kết hợp cả kinh nghiệm từ bao đời với khoa học công nghệ mới. Nơi nào cũng vậy, cán bộ địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp cùng xuống đồng, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân thực hiện những mô hình phù hợp với sức người, sức của, với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Vậy là, từ chỗ chỉ biết lờ mờ thì nay, bất cứ người dân, cán bộ nào được hỏi đều có thể nói vanh vách về những ảnh hưởng của BĐKH và cách thức ứng phó tại địa phương. Họ thảo luận như những chuyên gia về kỹ thuật canh tác, nuôi trồng sao cho giảm sử dụng nước, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, kháng sinh, hay sự kỳ vọng về nguồn thu mới từ tín chỉ các-bon nếu tuân thủ quy trình giảm phát thải khí nhà kính...
Vẫn còn nỗi niềm lo lắng, dao động khi sản xuất không thuận lợi, nhưng ai cũng hiểu, thuận tự nhiên, dựa vào tự nhiên để phát triển mới là hướng đi đúng đắn nhất, tốt nhất cho ĐBSCL. Nếu hiệu quả, đây sẽ là những hạt nhân để nhân rộng nhiều cách làm hay ra toàn vùng, thậm chí ra cả nước và đóng góp cho mục tiêu quốc gia về ứng phó BĐKH.
Quan tâm đến nhu cầu của người dân
Điểm mấu chốt của các dự án nằm ở sự nghiên cứu, tìm tòi, chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, có sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Theo TS Dương Văn Ni - Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL, đại diện dự án trồng cỏ ở Long An, mục tiêu khi thiết kế dự án rất rõ ràng: phải nâng cao thu nhập cho người dân tham gia, không chỉ đủ ăn mà còn phải cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương. Khi đã đưa ra được phương án có tính khả thi cao, công việc tiếp theo sẽ là kết nối các nguồn tài trợ. “Chúng tôi quan niệm, sinh kế mới phải dựa trên đặc điểm dân cư của địa phương. Hiệu quả kinh tế không cần tăng cao đột xuất, mà phải ổn định, phải bền vững để có thể duy trì hoạt động lâu dài, giữ chân người dân đồng hành cùng dự án” - TS Dương Văn Ni nhấn mạnh.
Sự khác biệt phần nào đến từ quan điểm của nhà tài trợ Chính phủ Australia. Ông Ciaran Chestnutt - Phó Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM chia sẻ khi đồng hành cùng đoàn công tác: Sự hợp tác của chính quyền địa phương, nông dân và cộng đồng là vô cùng cần thiết cho sự thành công của các dự án. Cách tiếp cận của Australia nhấn mạnh sự hợp tác, ưu tiên đối thoại bình đẳng hơn là chỉ đạo một phía. Chúng tôi cố gắng hiểu điều gì sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho đối tác và bối cảnh địa phương. Bởi vậy, quá trình tham vấn các bên cho dự án rất quan trọng.
“Khi lên chương trình dự án, chúng tôi phối hợp với nhiều bên liên quan, từ chính quyền địa phương đến trung ương, cũng như nông dân và chuyên gia địa phương. Qua đó, tôi cũng cảm nhận rõ sự quan tâm sâu sắc của họ với nông nghiệp và thích ứng BĐKH. Nếu không có tinh thần tích cực như vậy, những dự án có thể sẽ không đạt hiệu quả như hiện nay” - ông Ciaran Chestnutt tâm sự.
Sau những ngày đồng hành rong ruổi qua các tỉnh thành ĐBSCL, đoàn phóng viên rời đi và mang theo những câu chuyện như vậy. Sẽ có nhiều bài báo ra đời và lan tỏa nghị lực, kinh nghiệm cũng như quyết tâm của người dân vùng đất nhiều nắng, gió này. Mỗi phóng viên mỗi góc nhìn, hỗ trợ nhau hoàn thiện “đứa con tinh thần”, cùng hoan hỉ khi được độc giả đón nhận. Trên hết, chúng tôi mong muốn chia sẻ nhiều điều mắt thấy, tai nghe tới cộng đồng, góp sức nhỏ bé của mình để chứng minh nỗ lực vượt bậc của Việt Nam - một nước dù còn nhiều khó khăn nhưng đã chủ động tích cực tham gia cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu.
Với Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lộ trình của Việt Nam đã hoàn thiện hơn. Các cơ quan báo chí cũng vào cuộc ngày càng mạnh mẽ hơn, theo dõi sát và phản ánh mỗi bước đi của các ngành, lĩnh vực, địa phương, của người dân trên những chặng đường hướng đến tương lai bền vững ấy.