Biến đổi khí hậu

Giảm khủng hoảng xã hội do BĐKH: Cần chính sách đủ mạnh

Hoài Thu 19/12/2024 - 10:34

(TN&MT) - Di cư, khó thoát nghèo, doanh nghiệp tư nhân chịu tổn thất lớn… là những rủi ro mà biến đổi khí hậu đang tác động đến hàng triệu người tại Việt Nam.

Trong một nghiên cứu về những nguyên nhân cốt lõi khiến các nhóm xã hội dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, GS. TS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là thảm họa môi trường, nó còn là một khủng hoảng xã hội buộc chúng ta phải có hướng giải quyết ở nhiều cấp độ.

Hàng triệu người ly hương tìm chốn an cư

Theo GS.TS Trần Thục, di cư là tình trạng đang xảy ra ngày một nhiều hơn do thiên tai, biến đổi khí hậu. Đối tượng di cư chủ yếu là nông dân, những người ở nông thôn, miền núi.

Số liệu thống kê tác động của BĐKH đến tình trạng di dời dân số ở Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2022 cho thấy, có hơn 5,3 triệu trường hợp di dời trong nước, bao gồm 4,8 triệu trường hợp liên quan đến bão lớn và 558.000 trường hợp do các thảm họa thiên nhiên khác. Dự báo đến năm 2050, mực nước biển dâng cao, thiên tai và các sự kiện liên quan đến khí hậu khác sẽ khiến “mô hình di dời” này tiếp tục leo thang, ước tính lên tới 3,1 triệu người Việt Nam sẽ có khả năng phải di dời trong nước.

Khó thoát nghèo ở vùng dân tộc thiểu số

“Phần lớn các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng xa xôi với khả năng tiếp cận hạn chế cơ sở hạ tầng cơ bản là đối tượng chịu tác động khí hậu lớn nhất”, GS.TS Trần Thục nhận định.

untitled-a1.jpg
Khẩn cấp di dời các hộ dân ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn.

Trong đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ quét, bão, hạn hán và xâm nhập mặn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khiến người dân khó có cơ hội tiếp cận được các cơ sở hạ tầng cơ bản như nước sạch, điện, đường giao thông, giáo dục y tế hay các cơ hội tiếp cận thị trường kinh doanh, dẫn đến thu nhập thấp; thời tiết bất thường sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ của người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, nhận thức về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, từ đó gây ra nguy cơ đe dọa an ninh lương thực.

Doanh nghiệp tư nhân tổn thất do thiên tai

Doanh nghiệp tư nhân cũng là một đối tượng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kết quả khảo sát năm 2020 bao gồm 34 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cho thấy, qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (bão, lũ lụt, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng, xâm nhập mặn, hạn hán và thiếu nước ngọt…) đã gây ra tổn thất chiếm tới 70 - 80% tổng doanh thu mỗi năm của một số doanh nghiệp, chủ yếu liên quan đến 3 hiện tượng thời tiết cực đoan gồm: Nắng nóng kéo dài (25,6%), lượng mưa lớn liên quan đến bão/áp thấp nhiệt đới (17,3%) và lũ lụt ở những nơi trước đây không phổ biến (10,7%).

386-202412171527431.jpg

Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến khu vực tư nhân, đây cũng là nguồn lực quan trọng trong thích ứng. Do vậy, nếu không có các chính sách toàn diện, BĐKH có thể gây ra những tác động khôn lường đối với nhóm dễ tổn thương như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi..., đặc biệt là tăng gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Cần các chính sách hỗ trợ đặc thù

Một chương trình an sinh xã hội có lồng ghép các vấn đề về thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu là cần thiết để hầu hết những công dân dễ bị tổn thương có thể đối phó với tình huống khẩn cấp và phục hồi nhanh chóng tác động của biến đổi khí hậu.

GS.TS. Trần Thục chia sẻ, hiện có một Hệ thống Bảo trợ xã hội thích ứng” được thí điểm tại các tỉnh Cần Thơ và Trà Vinh. Hệ thống này cho phép chính quyền các địa phương đo lường chi phí cung cấp các khoản tài trợ cần thiết, đồng thời giúp đảm bảo các khoản tiền này được chi tiêu một các hiệu quả và minh bạch. Một khi xác định được các hộ gia đình bị ảnh hưởng, hệ thống được kỳ vọng sẽ thực hiện chi trả cho người nhận một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất có thể.

Hệ thống cũng hỗ trợ công tác hiện đại hóa quy trình chi trả bằng cách liên kết người thụ hưởng với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán để mở tài khoản và chuyển khoản hỗ trợ trực tiếp đến tài khoản của người nhận.

“Tuy nhiên, các chính sách vẫn chưa được triển khai đồng bộ tại các tỉnh thành hỗ trợ cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy,nếu triển khai thành công, mô hình thí điểm này cần được nhân rộng, cùng với đó, việc áp dụng, triển khai đồng bộ chính sách và các Chương trình, hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam cần phải được mở rộng thực hiện trên nhiều tỉnh thành” - GS. TS Trần Thục nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, GS.TS. Trần Thục nhấn mạnh cần ưu tiên cao hơn cho cơ sở hạ tầng và chi tiêu cho dịch vụ xã hội ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi di cư do BĐKH. Đồng thời việc cải thiện dự báo rủi ro thời tiết và hệ thống cảnh báo sớm đòi hỏi phải có sự đầu tư vào công nghệ thông tin và các công nghệ kỹ thuật số hiện đại.

“Nghị quyết trong phiên họp thứ 47 tại Geneva vào tháng 7/2021 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về ứng phó với các vấn đề toàn cầu do BĐKH gây ra, nhấn mạnh việc hưởng thụ đầy đủ và hiệu quả các quyền con người. Đảm bảo người dân được bảo vệ tốt hơn trước biến đổi khí hậu cũng là đảm bảo quyền con người”, GS. Trần Thục nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm khủng hoảng xã hội do BĐKH: Cần chính sách đủ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO